Sử dụng mã số mã vạch

Ngày cập nhật: 10/05/2021

Hỏi :(Trần Quốc Nam - tqnam10tp@gmail.com)

Kính gửi Tổng Cục Đo Lường Chất Lượng, Tôi tên Trần Quốc Nam. Hiện có thắc mắc về cách sử dụng mã số, mã vạch. Rất mong nhận được tư vấn từ Tổng Cục. Tôi có 2 trường hợp như bên dưới: 1. Sản phẩm nhập khẩu với thông tin ghi nhãn Tiếng Việt: sản phẩm được nhập từ nước A, sau đó về bán ở Việt Nam. Do số lượng hàng lớn, nên tôi phát triển nhãn với thông tin ghi nhãn bằng tiếng Việt theo luật ghi nhãn của Việt Nam bao gồm chỉ rõ xuất xứ hàng hóa là Nước A. 2. Nhập sản phẩm về đóng gói lại: Tôi nhập sản phẩm từ nước A về và đóng gói lại. Nhãn sản phẩm sẽ được phát triển ở Việt Nam, Thông tin ghi nhãn đảm bảo theo luật. Xuất xứ hàng hóa vẫn là nước A. >>> Với 2 trường hợp trên, tôi muốn hỏi là barcode trên bao bì tôi có thể sử dụng đầu số barcode Việt Nam (893) mà tôi đã được cấp phép để khai báo trên bao bì được không? Xin chân thành cảm ơn! Trân trong.

Trả lời :

Kính gửi độc giả Trần Quốc Nam,

1. Căn cứ các tài liệu hướng dẫn của GS1 bao gồm GS1 General Specifications (Thông số kỹ thuật chung GS1), GTIN Management Standard (Tiêu chuẩn quản lý mã GTIN) và GTIN Allocation Rules (Quy tắc phân định GTIN), GS1 quy định “Chủ sở hữu thương hiệu” là tổ chức sở hữu thông số kỹ thuật của thương phẩm và chủ sở hữu thương hiệu chịu trách nhiệm về việc ấn định GTIN cho thương phẩm.

GS1 Việt Nam cấp các tiền tố mã doanh nghiệp đầu 893 cho các doanh nghiệp đăng ký tại Việt Nam để doanh nghiệp tự ấn định mã GTIN cho thương phẩm mà doanh nghiệp là chủ sở hữu thương hiệu đó.

Do Quý độc giả chưa cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sở hữu thương hiệu nên Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chưa có đầy đủ thông tin để hướng dẫn cụ thể. Đề nghị Quý Độc giả liên hệ với Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia theo số điện thoại 1900636218 để được hướng dẫn cụ thể.

2. Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP: “Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa được thể hiện mã số, mã vạch, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và những nội dung khác (nếu có). Những nội dung thể hiện thêm không được trái với pháp luật và phải bảo đảm trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc”.

Do đó, doanh nghiệp khi thể hiện mã số, mã vạch trên nhãn hàng hóa phải tuân thủ quy định nêu trên, bảo đảm trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.

Trân trọng.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng