Chủ nhật, 22/12/2024 22:17 GMT+7
Thứ ba, 12/12/2023 08:56 GMT+7

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chỉ dẫn địa lý được bảo hộ

KS. Trần Đức Thái

 Phòng Thanh tra sở hữu trí tuệ

Chỉ dẫn địa lý (Geographical Indications), có nguồn gốc ở châu Âu và được phổ biến rộng rãi trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới thông qua Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs). Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể và chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022).

Ngày 11/01/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kể từ thời điểm này, Việt Nam phải thực thi các cam kết với WTO về các lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ cũng như các văn kiện của WTO trong đó có Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs).

Theo số liệu trên trang thông tin điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến 28/11/2023 đã có 131 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam trong đó có 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Tuy nhiên, việc quản lý chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hiện nay còn vướng mắc, chưa thống nhất trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Các tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý chưa chủ động phát huy quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp. Tình trạng hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý ngày càng phức tạp và tinh vi trong hoạt động thương mại truyền thống và đặc biệt trong thương mại điện tử thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber …   

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chỉ dẫn địa lý và liên quan còn vướng mắc, chưa thống nhất:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý; (ii) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. Chỉ dẫn địa lý đồng âm đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ nếu chỉ dẫn địa lý đó được sử dụng trên thực tế theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Theo quy định tại Điều 64 Luật Trồng trọt quy định quản lý và cấp mã số vùng trồng theo đó “Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.”. Như vậy, vùng trồng khi được cấp mã số theo quy định của Luật Trồng trọt có thể xảy ra bốn trường hợp liên quan đến khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý:

Thứ nhất: Vùng trồng trùng hoàn toàn khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý;

Thứ hai: Vùng trồng nằm trong khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý nhưng không trùng hoàn toàn;

Thứ ba: Vùng trồng nằm ngoài hoàn toàn khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý;

Thứ tư: Vùng trồng nằm một phần thuộc khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý và một phần nằm ngoài khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.

Đối với trường hợp thứ nhất và thứ ba mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý chưa có sự xung đột và ít gây nhầm lẫn.

Đối với trường hợp thứ hai và thứ tư cần xem xét, đánh giá có nguy cơ gây nhầm lẫn về xuất xứ, ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của chỉ dẫn địa lý.

Đối với mã số vùng trồng (thường được gọi là mã số vùng trồng nội địa) được cấp và quản lý theo Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng.

Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ hoạt động xuất khẩu: được thực hiện theo tiêu chuẩn cơ sở do Cục Bảo vệ Thực vật ban hành, bao gồm: TCCS 774:2020/BVTV – Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, TCCS 775:2020/BVTV – Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói và quy định riêng của thị trường nhập khẩu đối với mỗi loại nông sản.

Qua đó, cho thấy các quy định giữa Luật Trồng trọt và Luật Sở hữu trí tuệ còn chưa có sự thống nhất trong việc cấp mã số vùng trồng theo quy định của Luật Trồng trọt và cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về Quy định sử dụng chỉ dẫn địa lý của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc của tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không thống nhất. Các tổ chức này ban hành quy chế về sử dụng chỉ dẫn địa lý khác nhau, trong quá trình thực hiện Quy chế quy định sử dụng chỉ dẫn địa lý chưa tuân thủ quy định về xác nhận tiêu chuẩn, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Việc đánh giá xác nhận về tiêu chuẩn, tính chất, chất lượng đặc thù của một sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu mang chỉ dẫn địa lý còn mang tính hình thức, chưa đủ căn cứ khoa học. Thực tế, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý thường kết hợp với một nhãn hiệu, có thể là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận. Tuy nhiên, có trường hợp cùng một khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý nhưng ở mỗi tỉnh sử dụng chỉ dẫn địa lý kết hợp với một nhãn hiệu khác nhau (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) dẫn đến việc người tiêu dùng lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như sâm Ngọc Linh).

Một trong những nguyên nhân liên quan đến việc xác định tính chất, chất lượng đặc thù của một sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu mang chỉ dẫn địa lý là do hệ thống thử nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt đối với hàng hóa có giá trị cao, đòi hỏi phòng thử nghiệm hiện đại đảm bảo năng lực thử nghiệm được các chỉ tiêu kỹ thuật của các sản phẩm có giá trị cao đó. 

Đề xuất giải pháp

Thứ nhất, cần có sự phối hợp giữa Bộ KH&CN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thống nhất việc cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và việc cấp Mã số vùng trồng theo quy định của Luật Trồng trọt kết hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng mã địa điểm GLN (Tại Quyết định số 611/QĐ-TTg, ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã giao nhiệm vụ cho hai Bộ). 

Thứ hai, nhà nước đầu tư và định hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân có năng lực đầu tư hệ thống phòng thử nghiệm đáp ứng nhu cầu thử nghiệm, đánh giá chất lượng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Thứ ba, xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm trọng điểm theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.  

 

Lượt xem: 5032

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:65599
Lượt truy cập: 47190571