Thứ ba, 30/04/2024 19:27 GMT+7
Thứ sáu, 08/12/2023 10:05 GMT+7

Giám sát đoàn Thanh tra góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh tra

Trịnh Minh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Lý, Hà Thị Giang - Thanh tra Bộ KH&CN

Giám sát hoạt động đoàn thanh tra là một khâu quan trọng trong hoạt động thanh tra, góp phần kiểm soát hoạt động thanh tra một cách chặt chẽ, bảo đảm hoạt động thanh tra tuân thủ pháp luật.

Hiện nay, hoạt động giám sát đoàn thanh tra đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo Luật Thanh tra năm 2022 [[i]], nội dung giám sát hoạt động đoàn thanh tra được quy định tại Điều 98, cụ thể là: (i)  Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của đoàn thanh tra; (ii) Việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo; (iii) Việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của đoàn thanh tra.

Giám sát hoạt động đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ KH&CN

Kết thúc giám sát, Tổ giám sát hoặc người được giao nhiệm vụ giám sát báo cáo kết quả giám sát cho người ra quyết định thanh tra. Thông qua hoạt động giám sát giúp người ra quyết định thanh tra có những chỉ đạo kịp thời, bảo đảm cho các đoàn thanh tra chấp hành tốt hơn quy chế hoạt động đoàn thanh tra, thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; chấp hành tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật của các thành viên đoàn thanh tra khi thi hành công vụ.

Giám sát hoạt động đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ KH&CN

Hoạt động giám sát đoàn thanh tra được tiến hành kể từ thời điểm công bố quyết định thanh tra đến khi kết thúc thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra. Thực tế cho thấy, còn gặp khó khăn trong hoạt động giám sát đoàn thanh tra trước khi công bố quyết định thanh tra và sau khi kết thúc thanh tra tại đơn vị. Bởi trước khi tiến hành thanh tra, người được giao nhiệm vụ thu thập thông tin đã tiến hành tiếp xúc trực tiếp với đơn vị để nắm thông tin [[i]]. Quá trình này có thể xảy ra vi phạm các quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm nhưng không thể thực hiện việc giám sát. Sau khi kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra, đoàn thanh tra vẫn có thể tiếp cận đối tượng thanh tra để yêu cầu giải trình hoặc cung cấp bổ sung hồ sơ, quá trình này cũng có thể nảy sinh những vấn đề tiêu cực nhưng không được giám sát. Hơn nữa, từ thời điểm kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra, đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đến thời điểm công bố kết luận thanh tra. Quá trình này đoàn thanh tra có thể không thực hiện đúng quyền hoặc không thực hiện đúng trình tự tiến hành một cuộc thanh tra nhưng không được giám sát và báo cáo.

Mặc dù hoạt động giám sát đoàn thanh tra đã được quy định tương đối cụ thể nhưng nhiều Tổ giám sát hoặc người được giao nhiệm vụ giám sát không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ giám sát đoàn thanh tra, chỉ giám sát tại thời điểm công bố quyết định thanh tra và khi kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra nên việc giám sát lúc này chỉ mang tính hình thức, không đạt hiệu quả.

Cơ cấu tổ chức, biên chế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong hoạt động giám sát đoàn thanh tra. Do số lượng công việc quá nhiều trong khi biên chế được giao có hạn nên công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra chưa được thường xuyên, dẫn đến hiệu quả giám sát chưa cao.

Từ những hạn chế, vướng mắc trên, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, mỗi cán bộ, công chức làm công tác giám sát đoàn thanh tra hoặc được giao nhiệm vụ giám sát đoàn thanh tra cần nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám sát đoàn thanh tra; tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác thanh tra cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra bởi có trình độ, có kiến thức sâu rộng mới có thể giám sát được hoạt động đoàn thanh tra.

Thứ hai, cần có quy định về cơ cấu tổ chức, biên chế thực hiện chức năng giám sát tại các cơ quan thanh tra để có thể bảo đảm giám sát hoạt động đoàn thanh tra được thường xuyên, liên tục, kịp thời, chính xác giúp người ra quyết định thanh tra xem xét, theo dõi, đánh giá hoạt động của đoàn thanh tra bảo đảm đúng quy định, đạt mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra. Hơn nữa, thông qua giám sát, cần phát hiện kịp thời nhằm tham mưu cho người ra quyết định thanh tra sớm có những chỉ đạo phù hợp để tiếp tục chỉ đạo đoàn thanh tra thực hiện thanh tra toàn diện và bám sát các nội dung thanh tra, tránh bỏ sót nội dung hay không làm rõ các nội dung quan trọng trong thời gian thanh tra trực tiếp.

Thứ ba, cần xác định rõ trách nhiệm trong giám sát hoạt động đoàn thanh tra, xác định cụ thể các chế tài không chỉ đối với công chức đoàn thanh tra mà còn cả với người thực hiện giám sát. Điều này giúp nâng cao trách nhiệm, hiệu quả giám sát của Tổ giám sát, công chức được giao thực hiện giám sát, tránh việc giám sát có phần hình thức như hiện nay.

Thứ tư, cần xây dựng phần mềm phục vụ hoạt động thanh tra, việc ghi nhật ký điện tử thông qua các phần mềm máy tính sẽ lưu giữ các thông tin, số liệu và thực hiện báo cáo thống kê nhanh chóng, để cho thấy những công việc đã được thực hiện với kết quả ra sao, vào thời gian nào và do ai thực hiện. Điều này tạo sở cho người ra quyết định thanh tra nắm rõ và có những chỉ đạo kịp thời nhằm bảo đảm hoạt động thanh tra đúng mục đích, tiến độ, chất lượng và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của đoàn thanh tra.



[[i]] Theo Luật Thanh tra năm 2022, khoản 2 Điều 58 quy định: “Trường hợp cần làm rõ hoặc bổ sung thông tin để ban hành quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra cung cấp thông tin bằng văn bản về nội dung dự kiến thanh tra hoặc cử người thu thập thông tin làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra.”




[[i]] Luật số 11/2022/QH15) được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023,Giám sát hoạt động của đoàn thanh tra được quy định tại từ Điều 97 đến Điều 101.

 

 

Lượt xem: 752

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:33305
Lượt truy cập: 40030123