Thứ bảy, 28/12/2024 01:56 GMT+7

Bộ Y tế chỉ rõ thói quen tích thực phẩm dễ ngộ độc botulinum

Thứ năm, 10/09/2020 15:35 GMT+7

Ngoài sản phẩm đồ hộp, việc tích trữ, bảo quản nhiều loại thực phẩm tại nhà không đúng cacgs cũng là nguyên nhân gây ngộ độc botulinum.

Cảnh báo thói quen sử dụng túi hút chân không
 
Đến ngày 9/9, các cơ sở y tế cả nước tiếp nhận gần 20 trường hợp nhập viện do ngộ độc botulinum sau ăn pate Minh Chay. Ngoài ra, còn một số lượng lớn người bị ngộ độc biểu hiện nhẹ đến các bệnh viện thăm khám.
 
Vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum sinh ra độc tố botulinum. Đây là nhóm chất độc đầu bảng, ở liều 0,009mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70 kg.
 
Khi nhiễm botulinum, lệ tử vong cao từ 7-20%, thời gian liệt kéo dài. Khi nhập viện, bệnh nhân cần thở máy trung bình khoảng 2 tháng, tuy nhiên sau đó sẽ cần rất nhiều tháng để hồi phục.
 
2 bệnh nhân nặng nhất điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai dù được dùng thuốc giải độc từ ngày 29/8, tuy nhiên đến nay một bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng.
 
Trong hướng dẫn tạm thời chẩn đoán và điều trị ngộ độc botulium vừa ban hành, Bộ Y tế cho biết, các loại thịt hộp, rau củ quả, hải sản đóng hộp hay bịt kín trong bao túi, chai, gói… đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum.
 
Ngoài các sản phẩm đóng hộp, việc sử dụng các sản phẩm hút chân không bảo quản thực phẩm cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc botulinum
 
Đặc biệt, nếu thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo nguy cơ này còn cao hơn.
 
Trước đây, các ca ngộ độc botulinum rất hiếm gặp trên thế giới, tuy nhiên những năm gần đây, xu hướng ngộ độc tăng lên do trào lưu sử dụng túi hút chân không chứa đựng thực phẩm tăng lên, kèm theo đó là bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại thực phẩm không đủ chín trước khi ăn.
 
Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thận trọng với các sản phẩm thực phẩm đóng kín, chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
 
Khi phát hiện sản phẩm có mùi, màu sắc, vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường), tuyệt đối không nên ăn.
 
Dù sử dụng túi hút khí sẽ giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn, song Bộ Y tế khuyên người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.
 
Khi chế biến, nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới nấu chín do độc tố botulinum không bền với nhiệt, bất hoạt ở 80 độ C và phân huỷ ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút.
 
Loại vi khuẩn này không phát triển được trong môi trường có độ pH dưới 4,6, do vậy khi người dân muối dưa, muối cà, măng… cần phải che đậy kín, đảm bảo đủ độ chua, mặn mới dùng. Khi thực phẩm hết chua không nên ăn.
 
Ngộ độc nhẹ uống than hoạt tính
 
Thông thường sau khi ăn thực phẩm nhiễm botulinum từ 12-36 giờ, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên có những trường hợp phát tác chậm có thể kéo dài 6-8 ngày.
 
Các triệu chứng ban đầu bao gồm nôn, buồn nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón.
 
Biểu hiện đặc trưng của ngộ độc botulium là liệt thần kinh đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống tay, chân. Trên mặt có thể có biểu hiện sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng. Sau đó liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân… Bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không có rối loạn cảm giác.
 
 
Bệnh nhân ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức, Quảng Nam. Ảnh: BS Bửu Thuyên 
 
Nếu ngộ độc nhẹ, bệnh nhân chỉ thấy mệt mỏi tương tự suy nhược cơ thể, không làm được các động tác gắng sức bình thường, khi nặng sẽ ứ đọng đờm rãi, ho khạc kém, dễ sặc, suy hô hấp, phải thở máy.
 
Với các trường hợp vừa ăn thực phẩm nghi ngờ nhiễm độc, Bộ Y tế khuyến cáo người dân có thể gây nôn.
 
Với các trường hợp đã ăn thực phẩm chứa độc tố botulinum lâu ngày, nên tiếp tục theo dõi, khi triệu chứng tiến triển nặng cần nhập viện. Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tiếp tục làm xét nghiệm, đánh giá, phân loại.
 
Trường hợp cho về nhà theo dõi có thể uống than hoạt tính với liều dùng 1g/kg thể trọng, kết hợp sorbitol với liều tương đương liều than hoạt.
 
Những ca bệnh nặng phải nhập viện, cần cấp cứu và hồi sức hô hấp càng sớm càng tốt để kiểm soát đường thở, kết hợp dùng thuốc giải độc đặc hiệu càng sớm càng tốt, đặc biệt trong 1 tuần đầu.
 
Các bệnh nhân nhiễm độc botulinum thường bị giảm nhu động ruột hoặc liệt ruột cơ năng nên bệnh nhân cần ăn tăng cường chất xơ, thường xuyên xoa bụng.
 
Nguồn: Vietnamnet

Lượt xem: 1258

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:45274
Lượt truy cập: 13988576