Thứ sáu, 27/12/2024 14:52 GMT+7

Sử dụng Pate Minh Chay ngộ độc cần thời gian dài phục hồi

Thứ tư, 09/09/2020 11:24 GMT+7

Số ca ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay đã tăng lên sau khi cơ quan chức năng công bố nguy cơ ngộ độc khi sử dụng sản phẩm này. Những nguy cơ mắc bệnh có thể xảy ra khi ngộ độc botulinum.

Thời gian ngộ độc botulinum
 
Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, khi ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn clostridium botulinum, điều kiện thông khí trong ruột của con người không tốt, độ axit tương đối nhỏ. Đó là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn tồn tại, sinh sôi và phát triển gây ngộ độc.
 
Biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau bữa ăn từ 12 – 36 giờ, nhưng cũng có thể kéo dài tới vài ngày, thậm chí là 4 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn, độc tố càng nhiều, bệnh càng nặng và nguy cơ tử vong càng cao.
 
Các triệu chứng ban đầu khi khởi phát bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và các triệu chứng viêm dạ dày ruột khác, nhưng lượng độc tố ít thì triệu chứng sẽ biến mất trong vài giờ.
 
Độc tố của vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào các dây thần kinh sọ ngoại biên. Biểu hiện rõ nhất là tổn thương liên quan đến mắt (nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mí, giãn đồng tử, không phản xạ ánh sáng). Biểu hiện các cơ hàm mặt (liệt mặt, rối loạn tiết nước bọt, khô miệng, khó nuốt, nói khó, nói khàn, rối loạn ngôn ngữ).
 
Nặng hơn nữa, các triệu chứng liên quan yếu và liệt các cơ từ thân trên xuống thân dưới. Giai đoạn cuối là khó thở, rối loạn nhịp thở, tử vong ở giai đoạn này từ 30-60% do suy hô hấp.
 
Bệnh nhân tử vong do ngộ độc botulinum có điểm rất đặc biệt, là không cần vuốt mắt, bởi trước lúc chết, mắt nhắm tịt do liệt cơ, nhưng đầu óc lại hoàn toàn tỉnh táo và nhận biết được hết những gì đang diễn ra xung quanh.
 
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo nếu bữa ăn cuối cùng của bạn trong vòng 8 ngày trong khi bạn chưa có biểu hiện gì bất thường, bạn cần bình tĩnh theo dõi, khi có biểu hiện bất thường thì tới cơ sở y tế gần nhất khám và điều trị.
 
Cũng theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên: Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là loại ngộ độc kinh điển trong y văn nhưng trên thực tế xảy ra không thường xuyên, yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên việc chẩn đoán xác định rất khó khăn. Có thể nói ở Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế trước đây chưa chính thức ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc thuộc loại này.
 
Trường hợp liệt hoàn toàn, nhiều bệnh nhân có giãn đồng tử, nên giống như hôn mê sâu, mất não mặc dù vẫn tỉnh và biết xung quanh (với điều kiện được cấp cứu, hồi sức hô hấp và không bị thiếu ô xy não).
 
Trường hợp nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ giống như suy nhược, không thực hiện được các động tác gắng sức. Thời gian liệt kéo dài, trung bình thời gian thở máy ở các bệnh nhân là 2 tháng, có thể lâu hơn và cần nhiều tháng để hồi phục.
 
Cần được điều trị càng sớm càng tốt
 
Ngày 8.9, Bộ Y tế đã ban hành quyết định Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc botulinum. Theo Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, tỉ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Thời gian thở máy cần trung bình khoảng 2 tháng sau đó mới có thể cai thở máy, tuy nhiên bệnh nhân cần nhiều tháng để hồi phục.
 
Thời gian khởi bệnh phổ biến 12-36 giờ sau ăn, phần lớn ngay trong ngày đầu tiên, có thể trong khoảng 6 giờ đến 8 ngày sau ăn.
 
Người ngộ độc không sốt, huyết áp có thể tụt trong khi mạch, nhịp tim có xu hướng không nhanh. Xuất hiện sớm buồn nôn, chướng bụng, đau bụng sau đó liệt cơ năng ruột, táo bón.
 
Cũng theo Bộ Y tế, thuốc điều trị ngộ độc botulinum chỉ có tác dụng với các độc tố còn tự do. Chúng không có tác dụng với độc tố đã gắn tại thần kinh. Do đó, chúng không thể lập tức đảo ngược lại các triệu chứng liệt đã xảy ra. Tuy nhiên, thuốc có thể ngăn ngộ độc diễn biến nặng và rút ngắn thời gian thở máy, hồi sức, nằm viện.
 
Người dân ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum khi có triệu chứng rõ cần được điều trị càng sớm càng tốt. Thuốc có thể được chỉ định ở mọi giai đoạn nào của ngộ độc khi tình trạng bệnh nhân còn nặng. Các cơ sở y tế không chờ đợi kết quả xét nghiệm độc tố hoặc nuôi cấy vi khuẩn mới chỉ định dùng cho bệnh nhân.
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1204

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:22093
Lượt truy cập: 13987216