Thứ hai, 23/12/2024 13:50 GMT+7
Thứ năm, 01/12/2016 15:35 GMT+7

Thông tư 55 và 121 đảm bảo cho việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách tại các Tổ chức khoa học và công nghệ công lập

                                                                                        Nguyễn Thị Nga - Phòng Thanh tra Khoa học và Công nghệ

 

Luật KH&CN đã được thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2014, theo đó các Nghị định, Thông tư  sẽ tiếp tục được ban hành để cụ thể hóa các nội dung của Luật, cụ thể  thông tư 44 được ban hành năm 2007 quy định định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài/dự án có sử dụng ngân sách nhà nước đã trở nên lạc hậu, không còn đủ sức thuyết phục để có thể tiếp tục áp dụng cho các hoạt động KH&CN trong tình hình mới. Để khắc phục tình trạng lạc hậu và phù hợp với các hoạt động KH&CN trong tình hình mới Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và ban hành thông tư 55/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4 /2015 và thông tư 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 25/8/2014. 

 

Thông tư 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN công lập. Nội dung thông tư đã thay đổi căn bản phương thức cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho tổ chức KH&CN công lập từ phương thức cấp theo đầu biên chế sang cấp theo nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Trước đây, tất cả mọi người làm việc ít hay nhiều, làm việc có hiệu quả hay không hiệu quả vẫn được trả lương. Theo tinh thần thông tư 121, Nhà nước sẽ không cấp kinh phí theo số biên chế nữa mà cấp theo nhiệm vụ. Tổ chức KH&CN sẽ phải lập danh sách nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của đơn vị mình để trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt và giao nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, lập dự toán kinh phí cho từng nhiệm vụ, trình cơ quan chủ quản phê duyệt và cấp kinh phí để thực hiện. Cuối năm, cơ quan chủ quản tổ chức đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Việc cấp kinh phí cho tổ chức KH&CN theo hình thức này sẽ kích thích được người lao động tích cực làm việc vì ai làm đến đâu sẽ được hưởng lương đến đó đảm bảo tính công bằng và minh bạch. 

 

Cùng với thông tư 121, sự ra đời của thông tư 55/TTLT-BTC-BKHCN thay thế cho thông tư 44 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, nhà khoa học đã thực sự được “cởi trói”, ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả: 

 

Trước đây định mức chi thấp và việc tính công cho nhà khoa học được tính theo chuyên đề nên có tình trạng các nhà khoa học phải “vẽ” ra nhiều chuyên đề để được lĩnh đủ so với sức lao động của mình bỏ ra. Việc bỏ công sức để “vẽ” các chuyên đề, “biến báo” các thủ tục hành chính cũng tốn không ít công sức, thời gian của nhà khoa học mặc dù không ít chuyên đề cũng chỉ có giá trị thanh toán. Thông tư 55 dự toán, quyết toán kinh phí theo ngày công và đưa hệ số lao động khoa học vào tính công lao động cho nhà khoa học đã “cởi trói”, tạo ra sự phấn khởi trong giới khoa học. Một đề tài cần bao nhiêu người làm, mỗi người bao nhiêu ngày công, mỗi người tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học với chức danh nghiên cứu nào sẽ được hưởng hệ số lao động khoa học tương ứng từ đó tính ra chính xác số tiền mà mỗi nhà khoa học được hưởng. Kinh phí nghiên cứu được chuyển trực tiếp vào quỹ lương của đơn vị và được chi trả theo tiến độ thực hiện đề tài/dự án. Nhà khoa học đã yên tâm dành hết thời gian và tâm sức cho công việc nghiên cứu để tạo ra sản phẩm khoa học có chất lượng. 

 

Không những nhà khoa học được “cởi trói” mà ngân sách nhà nước cũng được sử dụng có hiệu quả cao hơn. Trước đây do việc thanh toán kinh phí theo chuyên đề, không định lượng được công lao động nên có tình trạng “cai thầu” trong nghiên cứu. Một nhà khoa học cùng lúc làm chủ nhiệm nhiều đề tài, sau đó thuê người làm. Nay quy định theo ngày công, một người không thể “ôm” nhiều đề tài một lúc vì số ngày công được ghi cụ thể, tổng số ngày công một người không thể làm quá 12 tháng một năm. 

 

Việc giao dự toán cho tổ chức KH&CN đầu năm đã tính đủ theo nguyên tắc tổng số người tham gia các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ không vượt quá số lượng người làm việc theo vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 

Nếu trong năm, các nhà khoa học trong tổ chức KH&CN đấu thầu được một nhiệm vụ KH&CN (sau thời điểm giao dự toán năm đó) thì nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ KH&CN đã được ghi rõ ràng trong thuyết minh đề tài/dự án. Chủ nhiệm nhiệm vụ và các cán bộ khoa học thực hiện đề tài/dự án có thể phát huy hết khả năng, sức lực, thời gian của mình để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo sự phân công của thủ trưởng đơn vị và thực hiện các nhiệm vụ của nhóm thực hiện đề tài/dự án. Nhà khoa học có thể sử dụng tối đa thời gian (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết) để thực hiện cả hai loại hình nhiệm vụ thường xuyên theo sự phân công của lãnh đạo tổ chức KH&CN và nhiệm vụ của nhóm đề tài/dự án. Họ có thể được hưởng hai loại công lao động là tiền lương thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và tiền công thực hiện đề tài/dự án, nhưng số công lao động cho cả hai loại hình nhiệm vụ này không thể vượt quá số ngày trong tháng. Như vậy phần kinh phí được giao thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức KH&CN sẽ dôi ra phần kinh phí được tính cụ thể bằng số công mà những người làm khoa học tham gia vào thực hiện đề tài. Chi tiết, nếu gọi số kinh phí được giao cho tổ chức KH&CN được cấp trong năm là A, kinh phí cấp cho nhiệm vụ khoa học đấu thầu được của tổ chức KH&CN (sau khi giao dự toán) là B. Nếu tổ chức KH&CN trong năm không đấu thầu thêm được nhiệm vụ khoa học nào và cuối năm cơ quan chủ quản đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ thường xuyên đạt yêu cầu thì tổ chức KH&CN sẽ được cấp đủ số kinh phí là A. Nếu trong năm tổ chức KH&CN đấu thầu được thêm đề tài/dự án theo cách cấp kinh phí khi chưa có thông tư 121 và thông tư 55 thì tổ chức KH&CN sẽ được cấp số kinh phí là A + B trong khi số người làm việc không thay đổi, thời gian làm việc không tăng thêm. Quy định cách trả công lao động của nhà khoa học theo  thông tư 44 được trả theo các chuyên đề như vậy tạo điều kiện cho các nhà khoa học chỉ đứng tên chủ nhiệm nhiệm vụ hoặc là cán bộ thực hiện nhiệm vụ nhưng trong thực tế họ không có điều kiện về thời gian và sức lực để tiến hành làm các công việc nghiên cứu này, họ thực hiện qua loa đại khái hoặc giao lại cho người khác ngoài tổ chức KH&CN thực hiện dẫn đến chất lượng kết quả các nhiệm vụ khoa học không cao. Số kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học là B được cấp đầy đủ cho tổ chức KH&CN không cần biết họ có đủ nhân lực và thời gian thực hiện được nhiệm vụ đó hay không. 

 

 Với cách tính công lao động được quy định trong Thông tư 55 và giao dự toán theo Thông tư 121 thì không thể có hiện tượng “cai thầu” trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN nghĩa là nhà khoa học chỉ đứng tên rồi chuyển cho người khác làm; cũng không có hiện tượng thanh toán các chuyên đề tràn lan nữa. Vì ai tham gia thực hiện đề tài/dự án khoa học đã được xác định rõ trong thuyết minh đề tài/dự án. Dù hưởng công lao động khoa học từ nguồn nào (nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng hay kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học đấu thầu được), tổng hợp cả 2 nguồn trên thì số công lao động cũng không được vượt quá giới hạn quỹ thời gian lao động thực tế.

 

Giao dự toán kinh phí theo tinh thần Thông tư 121 thì đơn vị sẽ nhận được phần kinh phí A và một phần kinh phí B (chứ không phải toàn bộ B). B là phần kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học đấu thầu được tính theo số ngày công tối đa mà mỗi người làm được. “Số ngày công” để trả lương theo nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và nhiệm vụ khoa học đấu thầu được chính là khái niệm để lượng hóa, định lượng chính xác thù lao của người lao động trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. 

 

Một ví dụ cụ thể có thể thấy rõ việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học qua các quy định tại thông tư 121 và thông tư 55 nêu trên. Đầu năm tài chính viện nghiên cứu X với số biên chế được giao là 20 người được giao thực hiện 02 nhiệm vụ khoa học thường xuyên với tổng kinh phí là 1.350.000.000 đ với đủ số công làm việc cho tất cả các cán bộ trong Viện làm việc trong 12 tháng và mỗi người làm việc 22 công trong một tháng. 

 

 Cùng trong năm tài chính đó viện nghiên cứu X lại đấu thầu được thêm 02 đề tài/dự án với tổng kinh phí là 1,5 tỷ đồng và riêng phần tính công lao động khoa học để thực hiện hai đề tài/dự án này là 2100 công giả sử với đơn giá một ngày công lao động đã được nhân với hệ số lao động khoa học là 420.000 đ/ngày công. Như vậy trong năm đó, các cán bộ trong Viện phải làm thêm giờ để thực hiện 2 đề tài/dự án đã đấu thầu được. Nếu theo cách dự toán kinh phí theo thông tư 44 thì các cán bộ của Viện chỉ cần hoàn thành đủ số chuyên đề theo thuyết minh dự toán là được thanh toán đủ số kinh phí 1,5 tỷ đồng của 02 đề tài/dự án đã đấu thầu được. Trên thực tế tất cả các cán bộ của Viện đều phải thực hiện nhiệm vụ khoa học thường xuyên nên họ phải dành thời gian ngoài giờ, ngày nghỉ để thực hiện nhiệm vụ khoa học đã đấu thầu được. Theo hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí tại thông tư 55 sẽ có sự khác biệt thể hiện tính chính xác, khoa học trong phương pháp tính công khoa học mang lại hiệu quả của việc sử dụng nguồn kinh phí.  

 

Theo quy định của Luật lao động thời gian lao động của người lao động là 48 giờ trong 1 tuần, quy đổi ra thành 6 ngày lao động trong 1 tuần. Một năm người lao động được nghỉ các ngày lễ, tết 10 ngày. Một năm có 52 tuần làm việc như vậy người lao động sẽ làm việc với số ngày là 312 trừ đi 10 ngày nghỉ lễ, tết nên người lao động sẽ làm việc 302 ngày trong một năm. Cũng theo quy định của Luật lao động thời gian làm thêm của người lao động tối đa không quá 200 giờ trong 1 năm, như vậy quy đổi ra là 25 ngày làm thêm giờ. Tổng cộng thời gian làm việc của một người lao động trong 1 năm là 327 ngày tương đương với 327 công lao động. 

 

Như vậy Viện X nêu trên có 20 cán bộ làm việc thì tổng số công lao động (kể cả công làm thêm ngoài giờ) của cả Viện trong một năm sẽ là 20 cán bộ x 327 công = 6.540 công lao động. Nếu tất cả các cán bộ trong Viện đều tham gia thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên được giao đầu năm thì số công của cả Viện thực hiện nhiệm vụ thường xuyên sẽ là: 20 cán bộ x 22 công/tháng x 12 tháng = 5.280 công. Số công lao động dư ra để thực hiện nhiệm vụ khoa học đấu thầu được sẽ là: 6.540 công – 5.280 công = 1.260 công. Số công lao động đã dự toán theo thông tư 55 để thực hiện hai đề tài/dự án đã đấu thầu được là 2.100 công. Như vậy số công lao động không thể thực hiện được (do không còn quỹ thời gian để thực hiện) là 2.100 công – 1.260 công = 840 công tương đương với phần kinh phí là: 840 công x 420.000 đ/công = 352.800.000 đ ( gọi là C) Với ví dụ cụ thể nêu trên A là 1.350.000.000 đ; B là 1.500.000.000 đ. Với các quy định trước đây trong năm tài chính Viện X sẽ được cấp đủ số kinh phí là A + B là 2.850.000.000 đ; nhưng với quy định hiện hành thì Viện X chỉ được cấp số kinh phí là: A + (B-C) = 1.350.000.000 đ + ( 1.500.000.000 đ – 352.800.000 đ) = 2.497.200.000 đ . Số tiền 352.800.000 đ là số tiền mà Viện X không thể thanh toán do không có đủ nhân lực hay thời gian để thực hiện công việc. Trong trường hợp này,  nếu Viện nghiên cứu X không lập dự toán số nhân công thuê ngoài Viện để thực hiện nội dung công việc tương ứng với số tiền 352.800.000 đ thì Viện không thể thanh toán được phần kinh phí này trong năm tài chính.

 

Tóm lại, với quy định tại thông tư 121 và thông tư 55 thì tổ chức KH&CN sẽ được cấp một phần kinh phí từ A và một phần kinh phí từ B chứ không thể hưởng trọn vẹn tổng kinh phí A + B được. Phần kinh phí dôi ra từ tổng A + B chính là hiệu quả sử dụng kinh phí do các quy định đồng bộ của hệ thống văn bản quản lý tài chính khoa học và công nghệ. 

 

Trên đây chỉ là một góc nhìn của người viết với các quy định tài chính hiện hành tại thời điểm hiện tại; mong có sự trao đổi nhiều chiều từ các chuyên gia đánh giá, các nhà quản lý, các cơ quan đơn vị đang thực hiện các văn bản này. 

 

Lượt xem: 34203

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:24148
Lượt truy cập: 47212025