Thứ bảy, 28/12/2024 01:52 GMT+7
Thứ năm, 22/07/2010 11:50 GMT+7

Quyền sở hữu công nghiệp là tài sản của doanh nghiệp quản lý và bảo hộ

 I. Ý nghĩa, vai trò của sở hữu công nghiệp đối với doanh nghiệp 

 1. Doanh nghiệp là  chủ thể của hoạt động sở hữu công nghiệp

Về mặt bản chất, cơ chế bảo hộ sở hữu công nghiệp được thiết lập nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ nảy sinh trong qúa trình kinh doanh, trước hết là trong hoạt động sản xuất và thương mại. Trong các hoạt động đó, các doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp. Bởi vậy, hệ thống bảo hộ sở hữu công nghiệp trước hết cũng nhằm phục vụ cho các doanh nghiệp và được tiến hành bởi các doanh nghiệp. Nói cách khác, doanh nghiệp là các chủ thể quan trọng nhất của hoạt động sở hữu công nghiệp.

 2. Ý nghĩa, vai trò của sở hữu công nghiệp đối với hoạt động của doanh nghiệp

Theo Luật định, với các doanh nghiệp việc đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp là không bắt buộc. Việc có đăng ký hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì lợi ích của mình doanh nghiệp cần quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp mà mình có. Khi tạo ra một sáng chế/giải pháp hữu ích, một kiểu dáng công nghiệp hay sử dụng một nhãn hiệu doanh nghiệp có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ đối tượng đó và khi được cấp văn bằng bảo hộ, đối tượng đó trở thành tài sản của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp không nộp đơn yêu cầu bảo hộ, nếu có người khác cũng tạo ra hay sử dụng đối tượng tương tự, thì người đó có thể đăng ký để trở thành chủ sở hữu, quyền của doanh nghiệp bị thu hẹp hoặc bị phủ định hoàn toàn bởi người được cấp văn bằng bảo hộ.

 Một hệ thống sở hữu công nghiệp đầy đủ, có hiệu qủa sẽ tạo ra những lợi ích tiềm tàng đối với việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh và phát triển cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, để đáp ứng cho một nhu cầu nhất định của xã hội, rất nhiều doanh nghiệp đều cố gắng đáp ứng bằng các sản phẩm của mình, trong cuộc chiến đó người chiến thắng sẽ là người đưa ra được hàng hóa phù hợp nhất (có chất lượng tốt nhất, kiểu dáng đẹp, hấp dẫn và gía rẻ nhất). Việc tạo ra các giải pháp công nghệ mới đạt trình độ sáng chế và tạo ra các kiểu dáng công nghiệp có khả năng được bảo hộ sẽ giúp doanh nghiệp có được những hàng hóa như vậy. Vị thế của hàng hóa sẽ được khẳng định và được thị trường nhận biết, phân biệt thông qua nhãn hiệu của hàng hóa đó. Vì vậy, cho dù doanh nghiệp không đăng ký (hoặc không quan tâm đến việc đăng ký) quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ tôn trọng, không xâm phạm tới các quyền sở hữu công nghiệp của các chủ thể khác đã được pháp luật bảo hộ. Điều đó có nghĩa là tôn trọng quyền sở hữu công nghiệp của chủ thể khác là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp hay nói cách khác mọi hoạt động của doanh nghiệp ở bất cứ thị trường nào cũng phải đảm bảo không vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác. Doanh nghiệp cần biết rằng mọi hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp dù vô tình hay cố ý đều có thể bị phát hiện và bị xử lý theo pháp luật.

II.Thiết lập, quản lý các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp

1.Các đối tượng sở hữu công nghiệp gồm tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn… 

2.Xây dựng các đối tượng sở hữu công nghiệp

 Các đối tượng sở hữu công nghiệp trên đây đều có thể là bộ phận cấu thành tài sản của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch thiết lập và phát triển chúng. 

- Tên thương mại: từ định nghĩa tên thương mại trên đây, có thể coi tên thương mại là phương tiện giao tiếp đầu tiên giữa doanh nghiệp và các chủ thể khác. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập, doanh nghiệp cần chú trọng đến việc lựa chọn và thiết kế đối tượng nầy. 

-  Nhãn hiệu: Giống như tên thương mại, nhãn hiệu cũng là phương tiện giao tiếp giữa doanh nghiệp và các chủ thể khác. Tuy nhiên vai trò quan trọng hơn của nhãn hiệu là công cụ có tác dụng trực quan đến người tiêu dùng, giúp họ nhận biết hàng hóa của doanh nghiệp trước tiên thông qua thị giác hoặc thính giác, thiết kế một nhãn hiệu tốt là thiết kế một nhãn hiệu có tính thu hút về trình bày, tính đặc trưng cao và thuận lợi cho việc quãng cáo, mặt khác phải đáp ứng các quy định của pháp luật về các dấu hiệu không được sử dụng làm nhãn hiệu và không xung đột với một nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó.  

Ngoài ra các yêu cầu giống như đối với tên thương mại, việc thiết kế, xây dựng nhãn hiệu cần lưu ý: 

Một doanh nghiệp có thể có nhiều nhãn hiệu (dùng cho các loại hàng hóa khác nhau hoặc dùng cho các thị trường khác nhau). Tuy nhiên, với các nhãn hiệu đã được sử dụng lâu dài do đó đã chiếm lĩnh vị trí trên thị trường và trong tâm trí người tiêu dùng thì nên giữ gìn và tập trung phát huy vai trò các nhãn hiệu đó mà không thay thế bằng nhãn hiệu khác. 

- Kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/GPHI: Việc tạo ra các giải pháp công nghệ mới và các giải pháp tạo dáng sẽ giúp các doanh nghiệp có được hoặc các sản phẩm mới, các công nghệ mới. Việc sáng tạo đó cần phải đáp ứng các yêu cầu để được bảo hộ theo luật định và tăng tính cạnh tranh. Để công việc sáng tạo được tiến hành có hiệu qủa, nhất thiết phải thực hiện các công việc sau: 

Nghiên cứu thị trường là một bước rất quan trọng và không thể kinh doanh nếu không rõ thị trường mà mình thực hiện kinh doanh, các đối tượng kinh doanh, người mua và các đối thủ. Tuy nhiên, nghiên cứu thị  trường ở đây nhằm tìm ra được nhu cầu giải quyết và bài toán phải đặt ra cho phát triển sáng tạo kỹ thuật cho doanh nghiệp: Cái gì cần cải tiến và cái gì cần sáng tạo mới. 

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, nghiên cứu trình độ công nghệ của lĩnh vực công nghệ, trên cơ sở nghiên cứu Patent, trên cơ sở nhu cầu và thông tin thu thập được, các nhóm nghiên cứu của doanh nghiệp thực hiện sự sáng tạo của mình như một nhiện vụ được giao, doanh nghiệp cũng có thể yêu cầu các thành viên của mình tự tìm ra giải pháp như một công việc làm ngoài giờ đặt hàng cho bên ngoài tìm ra giải pháp. 

3. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp:

a. Nắm vững các quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp: Các vấn đề liên quan đến.

- Quyền nộp đơn yêu cầu bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp;

- Các đối tượng bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ đối với từng loại đối tượng;

- Các yêu cầu về hình thức và nội dung đơn yêu cầu bảo hộ;

- Thủ tục nộp đơn;

- Trình tự, thủ tục xử lý đơn yêu cầu bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền, trong đó đặc biệt lưu ý tới các quy định về thời hạn và lệ phí. 

b. Cân nhắc trước khi quyết định có nộp đơn hay không, dự định chi phí cho việc nộp đơn. 

c. Làm đơn yêu cầu bảo hộ:

Tờ khai xin cấp văn bằng bảo hộ là một trong các tài liệu quan trọng nhất, bắt buộc phải có của bất kỳ loại đơn yêu cầu bảo hộ nào. Các thông tin chứa trong tờ khai được coi là thông tin gốc để đối chiếu với các thông tin cùng loại ghi trong các tài liệu khác của đơn  và là cơ sở xác định các yếu tố pháp lý liên quan tới quyền sở hữu công nghiệp sẽ được thừa nhận. Vì vậy cần đặc biệt chú ý khi lập tờ khai. 

d. Nộp đơn đăng ký và theo dõi kết qủa xử lý đơn:

Doanh nghiệp có thể tự làm và nộp đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp hoặc có thể thông qua người đại diện sở hữu công nghiệp để làm và nộp đơn đăng ký. Sau khi nộp đơn đăng ký, doanh nghiệp cần theo dõi kết qủa xử lý đơn của Cục Sở hữu Trí tuệ qua các kết qủa xét nghiệm hình thức và nội dung và thực hiện các yêu cầu sửa đổi bổ sung theo yêu cầu của Cục Sở hữu Trí tuệ. 

 III.    Sử dụng khai thác quyền sở hữu công nghiệp

1. Sử dụng, khai thác đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ

Khi sử dụng, khai thác quyền sở hữu công nghiệp, tức là tiến hành sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ. Luật pháp đã quy định rõ ràng, cụ thể khái niệm sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu thuộc độc quyền của chủ sở hữu. Doanh nghiệp có thể trực tiếp sử dụng, khai thác đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc ủy quyền cho người khác tiến hành sử dụng, khai thác. Nếu ủy quyền cho người khác khai thác, cần phải lập văn bản ủy quyền chặt chẽ và hợp pháp, trong đó phải nêu đầy đủ các điều kiện mà người được ủy quyền phải tuân thủ. 

2. Chuyển giao, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp 

Doanh nghiệp có thể tham gia các quan hệ trao đổi, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp với người khác, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò bên giao hoặc bên nhận. Việc chuyển nhượng có thể gồm hai dạng;  chuyển giao quyền sử dụng và chuyển giao quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp; 

Khi chuyển giao quyền sở hữu, chủ văn bằng bảo hộ trao cho bên nhận quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp của mình để đổi lấy một khoản tiền nhất định và khi đó bên nhận trở thành chủ văn bằng bảo hộ. Việc chuyển giao quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cũng phải được thực hiện thông qua một hợp đồng bằng văn bản và phải được đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ. 

 IV. Giám sát, bảo vệ các quyền sở hữu công nghiệp

Như đã đề cập ở trên, hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp ngày nay được tiến hành trong môi trường mà ở đó ngày càng nhiều đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ. Bởi vậy, khi mà chủ sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp phải tự mình theo dỏi, kiểm tra, bảo vệ quyền của mình. 

 V. Tổ chức và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp

1. Vai trò, ý nghĩa của thông tin sở hữu công nghiệp đối với doanh nghiệp

Để tồn tại và phát triển được trong môi trường kinh doanh mà sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, donh nghiệp bắt buộc phải thích nghi với hoàn cảnh mới, có nghĩa là họ phải thay đổi phương thức quản lý, cải tiến và áp dụng công nghệ mới, cải tiến chất lượng công việc và sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường tìm kiếm thị trường và các cơ hội kinh doanh mới.

2. Tư liệu sở hữu công nghiệp

Để khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy sản xuất và tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng và hiệu qủa, và để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân, đơn vị; Khuyến khích cạnh tranh trung thực trong công nghiệp và thương mại, các quốc gia đều phải có luật để bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp. 

3. Khai thác, sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp

Trước khi chuẩn bị nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ hoặc chuẩn bị sản xuất và đưa ra thị trường một sản phẩm mới, doanh nghiệp phải tra cứu Patent để xem là liệu sản phẩm đó có bị vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức cá nhân khác không. Việc tra cứu Patent nên được tiến hành theo một số giai đoạn như giai đoạn phát triển công nghệ, giai đoạn phát triển sản phẩm rồi đến giai đoạn Maketing nhằm thực sự đưa các sản phẩm nầy xâm nhập vào thị trường. Hoặc trước khi xuất khẩu hàng hóa đến một thị trường nào đó, doanh nghiệp phải tiến hành tra cứu Patent đồng dạng, tra cứu tìng trạng pháp lý về quyền sở hữucông nghiệp khẳng định xem liệu các quyền Patent có bị vi phạm hay mất hiệu lực vì các lý do theo luật định hoặc do không nộp lệ phí hàng năm hay không, hoặc người sở hữu Patent có bị thay đổi hay không. 

VI. Tổ chức hoạt động sở hữu công nghiệp tại doanh nghiệp

1. Bố trí cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách về sở hữu công nghiệp

Sở hữu công nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của nhiều loại hình doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nầy có quy mô khác nhau, từ quy mô rất nhỏ, kể cả các cơ sở chỉ có một người, đến các Cty xuyên Quốc gia khổng lồ với hàng chục, hàng trăm nghìn công nhân. Những doanh nghiệp lớn nói chung có các phòng, ban chuyên trách về phát triển và thực hiện chiến lược về sở hữu công nghiệp. Các phòng ban chuyên trách này có thể bao gồm đội ngũ nhân viên với đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho phép doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu qủa. Họ có thể là các luật sư, các kỹ sư, các nhà khoa học, nhà kinh tế, các chuyên gia nghiên cứu thị trường…Đối với doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ thì cũng phải có một bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về vấn đề sở hữu công nghiệp. Vì vậy, doanh  nghiệp cần có chính sách đào tạo nhân lực cho hoạt động này. 

2. Xây dựng và thực hiện chiến lược về sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp

Khi xây dựng và thực hiện chiến lược về sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp cần phải xem xét một cách cẩn thận có hệ thống các mục tiêu, nhiệm vụ, mục đích kinh doanh cũng như xem xét cẩn thận tác động của hệ thống sở hữu công nghiệp và có tính toán cẩn thận chính là điểm khác nhau giữa sự thành công và thất bại của doanh nghiệp. Có thể đưa ra được một chiến lược phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp nếu những người quản lý doanh nghiệp biết tiếp cận có bài bản đồng thời có cam kết rõ ràng đối với việc thực hiện chiến lược đó. Một doanh nghiệp lần đầu tiên mới bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển sở hữu công nghiệp nên sử dụng các nguồn trợ giúp từ các tổ chức tư vấn có kỹ năng và kinh nghiệm trong hoạt động nầy.         

Tóm lại, để tránh các hậu qủa pháp lý do vô tình hay cố ý sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của người khác, trong hoạt động của mình doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật các thông tin sở hữu công nghiệp ở Việt nam và ở vùng lãnh thổ khác nơi mà doanh nghiệp tiến hành kinh doanh như các văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp, Công báo sở hữu công nghiệp do cục SHCN ấn hành, cơ sở dữ liệu nhãn hiệu do Cục SHCN ấn hành và cơ sở Petent thuộc lĩnh vực kỹ thuật mà hoạt động của doanh nghiệp có liên quan… 

Theo shttp://www.dost-bentre.gov.vn

Lượt xem: 20226

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:45155
Lượt truy cập: 47367309