Chủ nhật, 24/11/2024 04:19 GMT+7
Thứ sáu, 27/05/2011 11:45 GMT+7

Xây dựng chương trình hành động quốc gia nâng cao năng lực hệ thống cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ NỘI DUNG XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA NÂNG  CAO  NĂNG LỰC HỆ THỐNG CƠ QUAN THỰC THI QUYỀN  SỞ  HỮU  TRÍ TUỆ

TRONG KHUÔN KHỔ CHƯƠNG TRÌNH 68 GIAI ĐOẠN II 2011-2015

---------------------------

                                                      Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ[1]

            I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH XÂM PHẠM QUYỀN SHTT

Xâm phạm QSHTT tại Việt Nam hiện nay đã và đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), thời gian gần đây, xâm phạm QSHCN vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp, các hành vi xâm phạm QSHCN diễn ra ở hầu hết các đối tượng SHCN như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. Trên thị trường thì hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền ngày càng nhiều và khó phân biệt, đặc biệt những nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như thiết bị máy tính, thuốc chữa bệnh hay nhóm hàng hóa phục vụ tiêu dùng như quần áo, mỹ phẩm...Việc xâm phạm QSHCN còn xuất hiện ở nhóm hàng hóa có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thuốc bảo vệ thực vật, sắt thép xây dựng, thực phẩm, đồ uống...trong khi các cơ quan chức năng đang cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ QSHCN thì tính chất, mức độ vi phạm QSHCN ngày càng diễn ra nghiêm trọng và phức tạp. Có thể thấy điều đó qua số liệu vi phạm bị phát hiện tăng lên nhanh chóng qua các năm. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2007, các lực lượng thực thi ở sáu Bộ gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Công an đã xử lý trên 18.000 cơ sở có hành vi xâm phạm QSHTT, tổng số tiền xử phạt là trên 15 tỷ đồng, đồng thời tịch thu nhiều phương tiện, tang vật vi phạm hành chính khác.

Trong những năm gần đây, các khiếu nại về việc vi phạm QSHCN đã không ngừng gia tăng. Chỉ tính riêng tại Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thì khiếu nại về việc vi phạm QSHCN như sau: năm 2005 có 33 khiếu nại về sáng chế, 65 khiếu nại về vi phạm kiểu dáng công nghiệp, 306 khiếu nại về vi phạm nhãn hiệu; năm 2006 có 41 khiếu nại vi phạm về sáng chế, 210 khiếu nại về vi phạm kiểu dáng công nghiệp, 324 khiếu nại về vi phạm nhãn hiệu;  năm 2007 có 17 khiếu nại vi phạm về sáng chế, 264 khiếu nại về vi phạm kiểu dáng công nghiệp, 320 khiếu nại về vi phạm nhãn hiệu. 

Ở nhiều nước trên thế giới, việc bảo vệ QSHCN chủ yếu bằng biện pháp dân sự và do hệ thống tư pháp đảm trách, các cơ quan hành chính khác chỉ thực hiện những biện pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm QSHCN ban đầu để đảm bảo tính tức thì của hoạt động thực thi. Theo họ, bảo vệ QSHCN bằng biện pháp dân sự cần được đề cao và được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn so với biện pháp hành chính, hình sự bởi biện pháp dân sự đã phần nào bảo đảm được trình tự, thủ tục công khai, công bằng để người tham gia tố tụng dân sự thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình tại TAND, bảo đảm được các nguyên tắc, thủ tục tố tụng đầy đủ, có hệ thống, xác định được rõ chức năng, thẩm quyền của cơ quan và người tiến hành tố tụng, thẩm quyền của mỗi cấp Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, tại Việt nam, thực tiễn giải quyết các tranh chấp QSHTT tại TAND bằng biện pháp dân sự lại không đem lại kết quả như mong muốn. Qua thống kê của TANDTC, việc giải quyết tranh chấp về QSHTT từ năm 2000 đến năm 2005 của toàn ngành Tòa án như sau: thụ lý 93 vụ, đã giải quyết 61 vụ, trong đó tạm đình chỉ, đình chỉ, rút đơn khởi kiện là 16 vụ, hòa giải thành 12 vụ, đưa ra xét xử 33 vụ (bao gồm 11 vụ tranh chấp về quyền tác giả và liên quan, 22 vụ tranh chấp về QSHCN).

II. CÁC ĐỀ XUẤT VỀ GIẢI PHÁP CŨNG CỐ VÀ  TĂNG CƯỜNG LỰC LƯỢNG CỦA CÁC CƠ QUAN THỰC THI QUYỀN SHTT

1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về  bảo vệ quyền SHTT

Việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ QSHTT là một quá trình liên tục, có nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ pháp luật liên quan đến bảo vệ QSHTT. Trong những năm gần đây, chúng ta đang tích cực triển khai xây dựng hệ thống pháp luật về SHTT, về cơ bản hệ thống pháp luật này đã được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về SHTT và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, do việc ban hành vào nhiều thời điểm khác nhau nên hệ thống pháp luật chưa được đồng bộ, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện. Mặt khác, việc thực thi pháp luật bảo vệ QSHTT của chúng ta chưa được như mong muốn do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, đòi hỏi chúng ta cần sớm có biện pháp khắc phục. Có thể thấy, với hệ thống pháp luật cũng như thực tiễn thi hành pháp luật về bảo vệ QSHTT là chưa tương xứng, đòi hỏi chúng ta cần nghiên cứu để có giải pháp tháo gỡ.

2. Tăng cường lực lượng thực thi

Cần tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi về con người và cơ sở vật chất. Hiện nay, so với yêu cầu thì các lực lượng thực thi có rất ít cán bộ. Quản lý thị trường đông nhưng không mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ. Lực lượng thanh tra KH&CN, thanh tra văn hóa, thanh tra thông tin truyền thông tuy có lợi thế về mặt nghiệp vụ nhưng lại yếu về mặt lực lượng. Vì vậy cần có sự tổng kết, đánh giá các mặt mạnh, yếu của từng lực lượng và có biện pháp tổ chức, để có sự bổ sung thích hợp.

Cần có chương trình huấn luyện cán bộ đầu mối về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ quan thực thi ở trung ương và địa phương. Trong kế hoạch hành động cần đề ra những nội dung cụ thể thiết thực trong các lĩnh vực quản lý nhà nước để tăng cường sự gắn kết giữa các cán bộ đầu mối. Chương trình bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ đầu mối cần được tổ chức định kỳ theo hướng chuyên sâu từng bước. Mục tiêu là sau 5 năm có thể xây dựng được một đội ngũ cán bộ ở các ngành, địa phương trọng điểm có liên quan nhiều đến vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đội ngũ cán bộ đầu mối này sẽ là lực lượng nòng cốt làm hạt nhân cho các hoạt động tập huấn, đào tạo, xây dựng chính sách pháp luật cũng như trợ giúp xử lý các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ tại ngành, địa phương.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước, cần có chương trình trợ giúp các tổng công ty, doanh nghiệp lớn thành lập bộ phận theo dõi phòng chống xâm phạm quyền và hàng giả và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi quyền trong phát hiện và xử lý hành vi xâm phạm quyền.

Tương tự, cần trợ giúp các hiệp hội ngành nghề thành lập bộ phận hoặc đầu mối liên lạc về chống hàng giả, chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp để tư vấn cho các thành viên về chiến lược, kỹ năng chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng luật sư, người đại diện sở hữu trí tuệ, tổ chức giám định sở hữu trí tuệ để trợ giúp chuyên môn, pháp luật cho các doanh nghiệp cũng như hệ thống cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

3. Tập trung việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

Việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thực thi quyền sở hữu trí tuệ là yêu cầu bức thiết. Cần phải nghiên cứu, xây dựng các bài giảng về kiến thức chung về sở hữu trí tuệ cho các lực lượng thực thi. Các bài giảng này nhằm nâng cao hiểu biết của các lực lượng về sở hữu trí tuệ. đặc biệt hiểu biết các khái niệm, quá trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó xây dựng các bài giảng về nghiệp vụ, tác nghiệp thống nhất khi xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ. Các yêu cầu đánh giá yếu tố xâm phạm quyền cho từng đối tượng sở hữu trí tuệ, các yêu cầu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các đặc thù trong việc tịch thu, loại bỏ yếu tố vi phạm cần được huấn luyện kỹ cho các lực lượng này.

Phương pháp tập huấn cũng cần nghiên cứu để phù hợp với đặc điểm, trình độ của các lực lượng thực thi. Chủ yếu phải là hướng dẫn nghiệp vụ thông qua việc phân tích các ví dụ điển hình, các bài tập mẫu, các vụ việc đã được xử lý để truyền đạt kiến thức và rút kinh nghiệm.  Việc tập huấn nghiệp vụ phải thường xuyên và liên tục, cập nhật thông tin, bổ sung các thủ đoạn trong sản xuất, buôn bán hàng giả về sở hữu công nghiệp.

Do các đặc điểm của lực lượng thực thi, tài liệu tập huấn phải được xây dựng sao cho dễ hiểu, càng nhiều ví dụ cụ thể càng tốt. Người truyền đạt phải nắm được tâm lý, trình độ của học viên. Thuyết trình viên phải kết hợp cả hai nguồn: nước ngoài và trong nước, trong đó trong nước là chủ yếu và là những chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm thực tế của Việt Nam và thế giới.

Cần có biện pháp cập nhật thông tin về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các lực lượng thực thi, kể cả công báo sở hữu công nghiệp.

4. Tuyên truyền, thiết lập hệ thống thông tin về SHTT

Tổ chức cơ quan lưu trữ cơ sở dữ liệu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tại đây lưu trữ các thông tin về việc xử lý các vụ việc trên cả nước như: tình hình vi phạm, số cơ sở vi phạm và địa chỉ, thời gian và hành vi vi phạm.

Trên cơ sở dữ liệu nói trên, các lực lượng thực thi có điều kiện để theo dõi tình trạng vi phạm. Từ đó có thông tin để xử lý đến tận gốc nơi sản xuất, buôn bán, nguồn hàng xâm phạm quyền và hàng giả về sở hữu công nghiệp.

Từ những thông tin trên, có cơ sở để tổng hợp, đánh giá tình hình, thủ đoạn, địa bàn, loại hàng hoá, nơi thường có hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Như vậy có cơ sở để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đấu tranh chống hành vi xâm phạm quyền và làm hàng giả.

5. Giáo dục, phổ biến pháp luật, vai trò của Tòa án

Đối với công tác tuyên truyền pháp luật bảo vệ QSHCN bằng biện pháp dân sự cần tiến hành một số công việc như: xây dựng các phiên toà mẫu để xét xử các vụ án dân sự về SHCN, tổ chức tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các tình huống tại phiên toà. Thực hiện việc công bố các quyết định, bản án của Toà án về SHCN. Việc công bố này sẽ tăng cường tính minh bạch và có tác dụng trong việc giúp Toà án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử, nâng cao chất lượng của việc ra bản án, kinh nghiệm khai thác và đánh giá chứng cứ, đồng thời tuyên truyền cho người dân, các doanh nghiệp thấy được kết quả giải quyết các vụ án của toà án để phòng ngừa khả năng xâm phạm và hiểu được các quy định của pháp luật liên quan đến việc bảo vệ quyền SHCN.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hầu hết các hành vi xâm phạm QSHCN đều có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Điều này đã dẫn đến tình trạng “hành chính hoá” các quan hệ dân sự. Một số trường hợp xâm phạm QSHCN tuy thuộc lĩnh vực dân sự, lẽ ra cần phải được giải quyết theo thủ tục dân sự tại Toà án nhưng lại được xử lý bằng biện pháp hành chính với quan niệm “cho đơn giản và đỡ tốn kém”. Vì vậy, trong thời gian nghiên cứu để thành lập Tòa án chuyên biệt về SHTT, chúng ta cần thiết phải có quy định để giao cho Tòa án để giải quyết một số tranh chấp thuộc đối tượng của SHCN như tranh chấp về sáng chế, bố trí thiết kế mạch tích hợp bán dẫn, tên thương mại, bí mật kinh doanh, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Đây là các đối tượng thể hiện rõ nét bản chất dân sự của chủ sở hữu và liên quan nhiều đến việc cung cấp chứng cứ để chứng minh. Do vậy, cần từng bước chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực của hệ thống Tòa án trong việc áp dụng các biện pháp dân sự trong xử lý hành vi xâm phạm các đối tượng nói trên và giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan thực thi theo thủ tục hành chính.

6. Sự cần thiết của việc xây dựng Đề án xây dựng Chương trình hành động quốc gia nâng cao năng lực hệ thống cơ quan thực thi QSHTT.

Để các giải pháp nêu trên trở thành hiện thực và sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, thiết nghĩ bên cạnh sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, các cơ quan có thẩm quyền thì Chính phủ nên xây dựng một chiến lược cụ thể về SHTT trong đó có vấn đề bảo vệ QSHCN.

Tham khảo chiến lược bảo vệ QSHTT của Nhật Bản cho thấy, sự phát triển của Nhật Bản được xây dựng dựa trên một chính sách cạnh tranh với thị trường thế giới thông qua các sản phẩm trí tuệ có hàm lượng trí tuệ cao và giá cả phù hợp. Nhân tố quan trọng khuyến khích sự phát triển của khoa học công nghệ và việc tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh như trên chính là do chính sách quốc gia về bảo vệ QSHTT của Nhật Bản. Là một quốc gia Châu Á có bề dày phát triển hệ thống bảo vệ QSHTT, Nhật Bản đã làm được nhiều điều kỳ diệu khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải học tập. Nhận thức vai trò của SHTT trong sự sinh tồn của quốc gia, Chính phủ Nhật Bản đã sớm xây dựng một chiến lược tổng thể quốc gia về bảo vệ QSHTT. Ngày 3/7/2002, Hội đồng chiến lược QSHTT do một nhóm cố vấn riêng cho Thủ tướng Junichiro Koizumi được thành lập. Những người này đã thảo ra những nét chính về chiến lược bảo hộ QSHTT của Nhật Bản, trong đó đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ QSHTT ở Nhật Bản và làm đất nước này trở thành một đất nước kiểu mẫu trong việc bảo vệ QSHTT trên thế giới. Chiến lược quốc gia trên của Nhật Bản cho thấy được một chu trình khép kín của việc xây dựng một hệ thống SHTT bền vững bao gồm: sáng tạo tài sản trí tuệ - Bảo vệ tài sản trí tuệ - sử dụng tài sản trí tuệ - nâng cao trình độ của con người. Điểm nổi bật của chiến lược trên là thành lập Hội đồng quốc gia về SHTT, Hội đồng này được xây dựng trên cơ sở của Luật SHTT, trong đó đích thân Thủ tướng Nhật làm chủ tịch. Hội đồng này đưa ra các chương trình cụ thể cho hoạt động SHTT của đất nước. Khẩu hiệu được Hội đồng trên đưa ra có tên: “Hành động quốc gia để tái tạo ra tài sản trí tuệ - nền tảng quốc gia”. 

Tương tự, ở Hoa Kỳ hiện đã xây dựng và đang phát triển mô hình cơ quan điều phối thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi quốc gia (The National IPR Coordination Center) nhằm tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát biên giới và cơ quan kiểm soát thị trường nội địa; giữa cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ và các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền. Cơ quan này giúp Chính phủ và các bộ liên quan đưa ra chiến lược, chính sách  về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực trong từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các ngành công nghiệp và bối cảnh thị trường quốc tế. Từ khi thành lập vào năm 2000 đến nay, cơ quan này đã đưa ra báo cáo quốc gia thường niên về tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời đề xuất chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về chống các tội phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý các bộ, ngành khác nhau.

Ở Trung Quốc, Chính phủ chủ động đưa ra chiến lược cũng như chương trình hành động quốc gia hàng năm về sở hữu trí tuệ, gồm những nội dung cụ thể trong bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nội dung hành động cụ thể của các cơ quan bảo hộ cũng như thực thi được lên kế hoạch đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất hành động theo lộ trình thích hợp với điều kiện trong nước cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế. Chính phủ điều phối và kiểm soát  hoạt động của các cơ quan trong hệ thống bảo hộ và thực thi thông qua bộ phận thường trực có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch hành động quốc gia của các bộ, ngành, địa phương. Bộ phận thường trực này cũng có trách nhiệm đề xuất các sáng kiến cho chương trình hành động được đưa ra trong từng năm trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm hoạt động của năm trước đó. Các cơ quan bảo hộ cũng như thực thi đều có trách nhiệm thực hiện các nội dung của kế hoạch hành động hướng đến mục tiêu chung là phục vụ phát triển sản xuất trong nước, thúc đẩy thương mại quốc tế, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp, lợi ích ngành công nghiệp và lợi ích quốc gia.

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có chương trình hành động thống nhất ở phạm vi quốc gia về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Mối gắn kết lỏng lẻo giữa các cơ quan thực thi thuộc các bộ ngành khác nhau, các địa phương khác nhau là một trong các nguyên nhân cản trở quá trình xây dựng pháp luật cũng như thi hành pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù chúng ta có thêm tổ chức giám định sở hữu trí tuệ bên cạnh các cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ nhưng sự gắn kết giữa hệ thống cơ quan bổ trợ này với các cơ quan thực thi còn mang nặng tính sự vụ và chưa có tính hệ thống. Mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ và cơ quan thực thi thuộc các bộ ngành, địa phương theo cả chiều dọc và chiều ngang hiện nay còn tản mát, chưa được củng cố trong một cơ chế hành động thống nhất. Vai trò của chủ thể quyền, các luật sư đại diện đã từng bước được nâng cao và được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật, nhưng trong thực tế họ chỉ mới phát huy được trong giải quyết, xử lý các vụ việc cụ thể dựa vào mối quan hệ trực tiếp hơn là dựa trên cơ sở hợp tác công - tư minh bạch và hợp pháp. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng cần thiết xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT, trong đó xây dựng các bước đi phù hợp và hiệu quả với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Chính phủ cần đưa ra chương trình hành động quốc gia cụ thể trong từng  năm cho hoạt động bảo hộ và thực thi quyền. Theo đó, các bộ ngành, cơ quan quản lý chuyên môn, cơ quan thực thi thuộc các bộ, ngành, địa phương khác nhau có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của mình trong mối quan hệ gắn kết với nhiệm vụ, hoạt động của các cơ quan khác nhằm đạt được mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ cũng cần thiết lập tổ chức thường trực giúp Chính phủ xây dựng và giám sát thực hiện chiến lược và chương trình hành động, đồng thời có nhiệm vụ điều phối hoạt động của các cơ quan về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các bộ, ngành, địa phương. Trước mắt, Bộ Khoa học và Công nghệ, với vai trò là cơ quan đầu mối về sở hữu trí tuệ, cần nhanh chóng xây dựng Đề án Kế hoạch hành động quốc gia tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nội dung Đề án bao gồm: Mục tiêu, nội dung của đề án, lộ trình thực hiện trong thời gian 5 năm. Trong đó nêu rõ thời gian thực hiện từng nội dung, các nội dung ưu tiên đối với từng lực lượng, mục đích đạt được trong từng giai đoạn và các biện pháp thích hợp để đạt kết quả, mục tiêu đã đặt ra.

Để thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp trong việc thực hiện Đề án, thành lập Ban chỉ đạo để điều hành việc thực hiện Đề án, chỉ đạo, điều phối hoạt động của các lực lượng thực thi.

Với những giải pháp đồng bộ, đúc rút kinh nghiệm kịp thời để khắc phục các điểm yếu, bất cập trong quá trình thực hiện Đề án, việc triển khai đồng bộ và theo lộ trình hợp lý các nội dung của Đề án nhất định sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao một bước năng lực hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian năm năm tới.

------------------

 


[1] Bài viết có sử dụng một số tư liệu của Cục SHTT và một số tài liệu của các cơ quan khác.

 

Lượt xem: 14036

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:4928
Lượt truy cập: 46293795