Thứ bảy, 23/11/2024 19:17 GMT+7
Thứ tư, 16/10/2013 11:20 GMT+7

Công khai và Pháp luật về công khai trong tổ chức thực hiện các Đề tài, Dự án KH&CN ở Việt Nam

Công khai là một khái niệm có tính lịch sử mà sự ra đời, phát triển của nó là tiền đề, là điều kiện tiên quyết của sự dân chủ trong các hoạt động của xã hội loài người.

 

Trong tiếng Anh, công khai là “Transparency”. Theo sách Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2007 thì công khai là "không giấu diếm, bí mật mà cho mọi người cùng biết" (tr 346). Cụm từ “Công khai” thường đi cùng và gắn liền cụm từ “Minh bạch”. Cũng theo sách Đại từ điển nêu trên thì minh bạch là "sáng rõ, rành mạch" (tr 1037).

 

Với ý nghĩa và bản chất như vậy nên “công khai, minh bạch” luôn được sử dụng như một biện pháp hữu hiệu để phòng, chống các hành vi tiêu cực trong các hoạt động có tổ chức, đặc biệt là hoạt động của các cơ quan có được trao quyền lực công.

 

Trong quá trình hoạt động, hợp tác với các quốc gia trên thế giới, Ngân hàng Châu Á (ADB) và Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) luôn khuyến khích sự minh bạch (Đương đầu với tham nhũng ở châu Á, tr 286, NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2008).

 

Đánh giá về tầm quan trọng của công khai, minh bạch,  GS. Joseph stiglitz, người đoạt giải Nobel về kinh tế năm 2001 cho rằng, “Tính minh bạch như một nhân tố cốt lõi trong cuộc chiến chống tham nhũng” (Vietnamnet 26/11/2004).

 

Ở Việt Nam, trong Báo cáo kết quả điều tra tham nhũng ở Việt Nam do Ban Nội chính Trung ương chủ trì thực hiện, công bố năm 2005 đã nhận định, việc xây dựng một xã hội công khai, minh bạch nhằm phòng, chống tham nhũng là một giải pháp hết sức quan trọng. Thể chế hóa đường lối của Đảng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã xác định công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Trong thông cáo báo chí tại hội nghị Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 3, được tổ chức vào tháng 6/2008 do Văn phòng BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ - Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam chủ trì đã kết luận “Công khai và minh bạch là những chìa khóa then chốt nhằm bảo đảm đấu tranh chống tham nhũng thành công”.

 

Công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Với việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, người dân sẽ dễ dàng ý thức được các quyền và nghĩa vụ của mình để chủ động thực hiện theo các quy định của pháp luật, đồng thời cũng đòi hỏi cơ quan nhà nước và các cán bộ, công chức nhà nước thực hiện các quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch sẽ làm cho các công chức nhà nước có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách công vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định. Bởi vì, mọi hành vi vi phạm, phiền hà sách nhiễu hay lợi dụng chức trách tư lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý.

 

Để công khai theo đúng nghĩa thì cần có những hình thức nhất định và cụ thể. Mục đích và yêu cầu của các hình thức ấy phải đảm bảo thông tin "không giấu diếm, bí mật mà cho mọi người cùng biết".

 

Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 đã đưa vấn đề công khai, minh bạch trở thành một nguyên tắc chung cho hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ trừ những nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước. Như vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có thể không công khai những những nội dung có trong danh mục bí mật mà nhà nước đã phê duyệt, không được lấy lý do nào khác để từ chối việc công khai hoạt động của mình nhằm tránh sự kiểm soát của người dân và xã hội. Luật cũng đã “cơ chế hóa” vấn đề công khai, minh bạch, tức là đã có những quy định cụ thể để nguyên tắc này được đảm bảo thực hiện trên thực tế, đó là việc quy định hình thức công khai và quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân và tổ chức. Cụ thể, các hình thức công khai bao gồm:

 

“- Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

 

- Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân;

 

- Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan;

 

- Phát hành ấn phẩm;

 

- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;

 

- Đưa lên trang thông tin điện tử;

 

- Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

 

Như vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện công khai qua các hình thức nêu trên, tức là có thể lựa chọn sử dụng một hoặc một số hình thức đó. Luật quy định cụ thể như vậy để tránh việc cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công khai một cách tùy tiện, hình thức và né tránh công khai sự thật.

 

Trên thực tế, có những trường hợp đối với một hoặc một số việc nào đó pháp luật quy định cụ thể hình thức công khai có tính chất bắt buộc thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải nghiêm chỉnh thực hiện.   

 

Nhận thức được tầm quan trọng của công khai, minh bạch trong xây dựng thể chế và quản lý nhà nước, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức nghiên cứu, thực hiện nhiều đề án về vấn đề công khai các lĩnh vực quản lý khác nhau như: công khai trong đấu thầu; công khai trong việc cấp phép khai thác mỏ; công khai trong việc xét tuyển công chức, viên chức…

 

Trong lĩnh vực KH&CN, vấn đề công khai được coi là một trong những yếu tố góp phần cho sự thành công của công tác quản lý về KH&CN nói chung và kết quả thực hiện các đề tài, dự án nói riêng.

 

Liên quan đến việc sử dụng biện pháp công khai để phòng, chống tham nhũng, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những cách làm khác nhau phù hợp với mục đích, đặc điểm và yêu cầu quản lý của mình. Ví dụ: ở Thái Lan, Chính phủ chỉ đạo tiến hành công khai và minh bạch quá trình đấu thầu các dự án của Chính phủ. Ở Trung Quốc, Chính phủ chủ trương "tiến hành đồng thời chống tham nhũng với phòng ngừa tham nhũng, lấy giáo dục làm cơ sở, lấy chế độ làm căn bản, lấy giám sát làm quan trọng" và thực hiện công khai là tiền đề để thực hiện giám sát. Ngoài ra, trên cơ sở khái quát các hành vi tiêu cực trong thực tiễn, Hiệp hội Khoa học Trung Quốc đã ban bố công khai một bản "Quy phạm đạo đức khoa học của người làm công tác khoa học" gồm 7 hành vi bị coi là xấu trong nghiên cứu khoa học làm cơ sở để phòng ngừa tiêu cực. Ở Hungary, cơ chế quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trước đây có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Có 3 cơ quan được phân cấp tham gia quản lý nguồn vốn này tuỳ theo các mức độ, tầm quan trọng của nhiệm vụ. Như vậy tạo ra sự không thống nhất và đôi khi chồng chéo trong việc tài trợ và thực hiện các đề tài, dự án. Giải quyết tình trạng này, Chính phủ Hungary đã thực hiện phương án thống nhất về tổ chức và cách làm của các cơ quan trên, đồng thời công khai hoá việc tổ chức thực hiện thông qua kênh của một tổ chức tài chính của nhà nước (Tổng Công ty phát triển kinh tế Hungary) nhằm phòng ngừa các hiện tượng thông đồng, móc ngoặc, gian lận hoặc "làm lại" nhiệm vụ để lấy tiền tài trợ…

 

Ở Việt Nam, việc công khai trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đã được quy định trong một số văn bản pháp luật như sau:

 

Điều 25 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định:

 

"- Việc xét, tuyển chọn, giao trực tiếp, tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ và việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ phải được tiến hành công khai.

 

  - Cơ quan quản lý khoa học-công nghệ, đơn vị nghiên cứu khoa học-công nghệ phải công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, các khoản hỗ trợ, viện trợ, đầu tư, các khoản thu từ hoạt động KH-CN".

 

Điều 16 Luật KH&CN (2000) quy định:

 

“Tổ chức khoa học và công nghệ có các nghĩa vụ sau đây:

 

4. Thực hiện dân chủ, bình đẳng, công khai trong việc bố trí và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ”

 

Điều 20 Luật KH&CN (2000) quy định:

 

"1. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền các cấp phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo phương thức tuyển chọn, bảo đảm để mọi tổ chức, cá nhân có điều kiện đăng ký, tham gia tuyển chọn.

 

2. Việc tuyển chọn phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; kết quả tuyển chọn phải được công bố công khai".

 

Điều 45 Luật KH&CN (2000) quy định:

 

"Chính phủ… hàng năm công bố danh mục và kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong nước".

 

Điều 16 Nghị định số 81/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi tắt là Nghị định 81/2002/NĐ-CP) quy định:

 

"2. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền các cấp phải công bố trên phương tiện thông tin đại chúng về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ dự kiến thực hiện trong năm tài chính tiếp theo, điều kiện, thủ tục để mọi tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ ngày công bố.

 

  4. Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải công khai, công bằng, dân chủ và khách quan. Kết quả tuyển chọn phải được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng".

 

Điều 21 Nghị định 81/2002/NĐ-CP quy định:

 

"Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp, theo thẩm quyền quyết định công nhận và công bố kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ".

 

Điều 31 Nghị định 81/2002/NĐ-CP quy định:

 

" Những kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ do Nhà nước đầu tư phục vụ công ích phải được công bố công khai rộng rãi để tổ chức, cá nhân ứng dụng vào sản xuất và đời sống".

 

Cụ thể hóa những quy định trên, trong nhiều văn bản quản lý do Bộ KH&CN ban hành, nội dung này cũng được đề cập như Quy chế quản lý các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước, văn bản quy định về tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN như Quyết định số 10/2007/QĐ-BKHCN và Quyết định số 11/2007/QĐ-BKHCN… Đặc biệt, trong Thông tư số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04/10/2006  của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ về “hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước” cũng có quy định về trách nhiệm của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đối với việc công khai thực hiện đề tài, dự án có sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các quy định này cũng chỉ tiếp cận vấn đề trên phương diện tài chính, chưa đủ bao quát hết được vấn đề theo yêu cầu đặc trưng của công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN.

 

Luật KH&CN sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2013 cũng có nhiều quy định về công khai, theo đó:

 

Điều 14 Luật KH&CN (2013)  quy định về nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ:

 

"3. Thực hiện dân chủ, bình đẳng, công khai trong việc sử dụng kinh phí và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ...”.

 

Điều 29 Luật KH&CN (2013)  quy định về tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước:

 

"3. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp phải thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ; điều kiện, thủ tục tham gia tuyển chọn.

 

4. Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; kết quả tuyển chọn phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác”.

 

Xem xét các quy định về công khai nêu trên chúng ta có thể thấy rằng, pháp luật hiện hành đang thiếu các quy định cụ thể để điều chỉnh về việc công khai đối với các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, trong giai đoạn từ khi tổ chức chủ trì và chủ nhiệm được giao thực hiện đến khi đề tài/dự án hoàn thành việc giao nộp kết quả nghiên cứu.

 

Văn bản pháp quy có đề cập đến vấn đề này hiện nay chỉ có Thông tư 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 về “hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện lý luận, pháp lý thì các quan hệ pháp luật Thông tư này điều chỉnh mang tính chất tài chính, tài sản. Kết quả công tác thanh tra trong 5 năm gần đây cũng cho thấy, 100% các nhiệm vụ KH&CN (các cấp) được thanh tra đều chưa thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ việc công khai. Một trong những nguyên nhân cơ bản là: tính chất quản lý hành chính nhà nước mang đặc trưng của công tác quản lý hoạt động R&D và đặc thù của công tác phòng, chống tham nhũng trong văn bản này khá mờ nhạt. Các chủ nhiệm, thủ trưởng tổ chức chủ trì và kể cả cơ quan quản lý, do chỉ tập trung quan tâm đến vấn đề chuyên môn và trình tự, thủ tục quản lý nên đều không biết hoặc không nắm hết được các yêu cầu phải công khai theo quy định. Trong khi đó, các kế toán của nhiệm vụ lại chỉ quan tâm đến vấn đề về tài chính, không quan tâm đến thủ tục công khai nên cũng không biết, không tham mưu cho thủ trưởng tổ chức chủ trì hoặc chủ nhiệm thực hiện.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, việc công khai trong tổ chức chủ trì là vấn đề nội bộ và cũng đã có quy định về dân chủ cơ sở điều chỉnh việc này; hoặc một số nhiệm vụ KH&CN được thực hiện trong các tổ chức cũng cần được giữ bí mật để đảm bảo an ninh, quốc phòng, quyền sở hữu trí tuệ...; hoặc phạm vi công khai thế nào để đảm bảo phù hợp.

 

Thực tế cho thấy, việc công khai có thể được tiếp cận trên nhiều phương diện khác nhau, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau. Quy định về công khai trong văn bản về dân chủ cơ sở sẽ không thể hiện được hết tính đặc thù, yêu cầu thông tin... của nhiệm vụ KH&CN (ví dụ các thông tin để đảm bảo nhiệm vụ không bị trùng lặp hoặc các thông tin để có thể kế thừa, chia sẻ kết quả nghiên cứu...). Trên phương diện phòng, chống tham nhũng và thực hiện nhiệm vụ KH&CN, các quy định hiện nay vẫn chưa đầy đủ và rõ ràng. Vấn đề quan trọng là việc nghiên cứu để xác định nội dung, đối tượng và phạm vi công khai phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, về KH&CN; đảm bảo hài hoà giữa quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Kết quả  thanh tra các đề tài, dự án KH&CN của thanh tra ngành KH&CN thời gian qua cũng cho thấy, hậu quả của việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ quy định về công khai đã gây tổn hại đến dân chủ cơ sở, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của CBCNV, làm nảy sinh các đơn thư khiếu tố phức tạp do thiếu thông tin và tiềm ẩn các hành vi tham nhũng.

 

Do vậy trong thời gian tới, khi Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ (được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI) và Luật KH&CN sửa đổi được đưa vào cuộc sống, cơ chế quản lý KH&CN có sự thay đổi căn bản với một hệ thống các văn bản sẽ được điều chỉnh thì các quy định về công khai trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cũng cần được sửa đổi, bổ sung để khắc phục được những tồn tại nêu trên. Đó là một trong những “điều kiện cần” để chất lượng nghiên cứu khoa học nói riêng và nền KH&CN nói chung ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Lượt xem: 22476

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:54006
Lượt truy cập: 46282326