Thứ tư, 15/01/2025 04:19 GMT+7

100 CÂU HỎI ĐÁP HỮU ÍCH VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 (PHẦN 5) "Khi mắc COVID-19 phải làm gì?"

Thứ ba, 31/03/2020 12:50 GMT+7

Nếu mắc COVID-19, bạn sẽ phải làm gì? Nhiều bạn chưa biết xử lý thế nào khi nhận thông tin mắc COVID-19. Để giải đáp những thắc mắc trên, Cục Quân y (Học viện Quân y) đã đưa ra 100 câu hỏi - đáp về dịch bệnh COVID-19.

41. Người mắc COVID-19 có biểu hiện gì?
 
Các triệu chứng lâm sàng ban đầu hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ. Một số trường hợp có thể có đau họng, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Những trường hợp nặng xuất hiện viêm phổi; khó thở do viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); suy chức năng các cơ quan. Các triệu chứng của bệnh xuất hiện sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh từ 2 - 14 ngày.
 
42. Mắc COVID-19 nếu không được điều trị có thể dẫn đến những hậu quả gì?
Người mắc COVID-19 có thể tiến triển ở nhiều mức độ khác nhau, nhẹ thì có thể tự khỏi, nặng có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển, suy chức năng các cơ quan dẫn tới tử vong. Theo số liệu đã công bố hiện nay, tỉ lệ tử vong khoảng trên 2%. Bệnh diễn biến nặng thường xuất hiện ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
 
43. Tôi đang tự theo dõi vì nghi ngờ mình bị mắc COVID-19, khi có dấu hiệu gì thì tôi phải báo ngay cho cơ quan y tế?
 
Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, người đến, ở và về từ nơi có dịch hoặc tiếp xúc với người nghi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 14 ngày phải báo cho cơ quan y tế để được theo dõi và cách ly. Khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở cần đeo khẩu trang thường xuyên và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
 
44. Có phải cứ ho, sốt là mắc COVID-19 hay không?
 
Ho, sốt là biểu hiện của nhiều bệnh lý cấp và mạn tính khác nhau liên quan đến đường hô hấp. Bệnh do COVID-19 là một bệnh viêm đường hô hấp cấp. Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm đường hô hấp cấp tính như các loại vi khuẩn gây bệnh; các loại virus như virus cúm mùa, virus á cúm, virus hô hấp hợp bào… Do đó, không phải cứ có ho, sốt là đều biểu hiện bị bệnh do COVID-19.
 
Người bệnh bị ho, sốt mà có đến, ở và về từ nơi có dịch hoặc tiếp xúc với người nghi bị nhiễm Covid-19 trong vòng 14 ngày thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và xét nghiệm chẩn đoán bệnh có do Covid-19 hay không?
 
45. Để khẳng định chắc chắn mắc COVID-19 thì cần làm những xét nghiệm gì?
 
Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, xét nghiệm khẳng định chắc chắn mắc COVID-19 được tiến hành tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép thực hiện và công bố kết quả xét nghiệm.
 
Hiện nay, kỹ thuật xác định mắc COVID-19 gồm kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới (NGS) và kỹ thuật Real time RT-PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập và bảo quản trong môi trường phù hợp.
 
46. Nếu chỉ ho, sốt, khó thở nhẹ, tôi có phải đi bệnh viện không?
 
Nếu bị ho, sốt mà có khó thở dù khó thở nhẹ cũng nên đến cơ sở y tế để được khám và xác định nguyên nhân gây bệnh, vì trong khi chưa được chẩn đoán và điều trị phù hợp, khó thở nhẹ có thể tiến triển thành khó thở nặng.
 
Theo qui định hiện nay của Bộ Y tế, nếu sốt, ho, khó thở mà trong vòng 14 ngày trước đó, người bệnh có đến, ở và về từ nơi có dịch hoặc tiếp xúc với người nghi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì ngay lập tức phải đeo khẩu trang, đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Cần gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
 
47. Để cho yên tâm tôi có nên đến thẳng các bệnh viện lớn tuyến trung ương để khám và làm xét nghiệm không?
 
Nói chung, khi bị mắc bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, tiên lượng bệnh và điều trị. Nếu cần thiết, người bệnh sẽ được chuyển tuyến trên.
 
Đối với bệnh do COVID-19, theo quy định của Bộ Y tế và tình hình dịch như hiện nay, người bệnh nghi ngờ mắc viêm đường hô hấp cấp tính do COVID-19 được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để, điều trị ở bệnh viện tuyến huyện trở lên; khi cần thiết, người bệnh sẽ được chuyển tuyến trên. Do đó, nếu nghi bị mắc bệnh do COVID-19, người bệnh nên đến bệnh viện tuyến huyện trở lên gần nhất, không nhất thiết phải đến thẳng các bệnh viện lớn tuyến trung ương để khám và làm xét nghiệm.
 
Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn, tùy theo cấp độ dịch, Bộ Y tế và Cục Quân y có thể sẽ đưa ra các qui định khác về phân tuyến, chuyển tuyến cách ly và điều trị người bệnh.
 
48. Hiện nay đã có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh COVID-19 chưa?
 
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức y tế khác chưa có khuyến cáo thuốc điều trị đặc hiệu nào cho viêm phổi do COVID-19. Một số thuốc kháng virus đang được nghiên cứu về hiệu quả điều trị và tính an toàn cho bệnh nhân mắc COVID-19.
 
49. Thông tin về thuốc điều trị HIV chữa được COVID-19 là đúng hay sai?
 
Hiện nay, các nhà khoa học Trung Quốc và một số nước trên Thế giới đang nghiên cứu hiệu quả điều trị và tính an toàn của thuốc điều trị HIV (Antiretroviral - ARV) để điều trị COVID-19. Tuy nhiên chưa có công bố chính thức về các kết quả nghiên cứu này.
 
50. Hiện nay các biện pháp chính để điều trị bệnh do COVID-19 là gì?
 
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc điều trị hỗ trợ nâng đỡ thể trạng, sức đề kháng và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Cần theo dõi và phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh nặng, nguy kịch như suy hô hấp hoặc suy các tạng khác.
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1351

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:3089
Lượt truy cập: 14076068