Thứ sáu, 10/01/2025 12:03 GMT+7

Tại sao nCoV ít tác động đến trẻ em?

Thứ năm, 06/02/2020 16:09 GMT+7

Có thể nhờ một số đặc điểm khác biệt về sinh học, các tế bào của trẻ em ít nhạy cảm với nCoV, khiến virus khó phát triển nhân lên.

Có thể nhờ một số đặc điểm khác biệt về sinh học, các tế bào của trẻ em ít nhạy cảm với nCoV, khiến virus khó phát triển nhân lên. 
 
Nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đăng trên Tạp chí Y học New England của Anh hôm 30/1, phân tích đặc điểm của 425 người đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) nhiễm nCoV. Trong số các bệnh nhân, không một ai dưới 15 tuổi tính đến giữa tháng 1 và người trẻ nhất chết vì chủng virus này là 36 tuổi.
 
Bác sĩ Mark Denison, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Nhi khoa tại Đại học Y khoa Vanderbilt (Mỹ) cho biết, nghiên cứu trên cũng cung cấp một luận cứ quan trọng để so sánh với hội chứng hô hấp cấp SARS (do một chủng của virus corona gây ra). SARS cũng là dịch bệnh ít phổ biến hơn ở trẻ em so với người lớn trong đợt bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2002-2003. Ông cho biết thêm, trẻ em dưới 13 tuổi nhiễm SARS có ít các triệu chứng cấp tính hơn là ở các nhóm tuổi còn lại.
 
Nhiều khả năng, nhờ một số đặc điểm khác biệt về sinh học, trẻ em sẽ ít nhạy cảm với nCoV hơn so với người lớn. Lý do là các tế bào ở trẻ em tỏ ra ít "thân thiện" hơn với virus, khiến cho virus corona khó phát triển nhân lên và truyền sang người khác, ông Denison phân tích. Vì thế, trẻ em có thể bị nhiễm virus nhưng sẽ có biểu hiện các triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn, đồng nghĩa với việc chúng có thể không cần nhiều can thiệp chăm sóc y tế đặc biệt như người lớn.
 
Về mặt tiến hóa, chúng ta có thể tiếp xúc với một số loại virus từ nhỏ. Ngay sau đó, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhận biết và làm quen với những virus này, từ đó hình thành các kháng thể chống lại virus. Do đó, chúng ta sẽ có khả năng sống sót tốt hơn và ít bị mắc lại hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, kháng thể này không thể tồn tại mãi mãi.
 
Tiến sĩ Sharon Nachman, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Stony Brook ở New York (Mỹ) cho biết, môi trường xung quanh trẻ em, trong đó có trường lớp với rất nhiều các bệnh truyền nhiễm, sẽ giúp cơ thể trẻ hình thành nên hệ miễn dịch. Trẻ em có thể đã gặp phải nhiều chủng virus corona, bao gồm một số chủng virus có thể gây ra cảm lạnh thông thường. Từ đây, cơ thể tạo ra "ô miễn dịch" cho trẻ, trong đó có khả năng miễn dịch đối với virus corona.
 
Ví dụ như đối với dịch cúm mùa, rất nhiều trẻ em ở Mỹ bị nhiễm virus cúm mỗi năm, nhưng con số trẻ em tử vong vì căn bệnh này ít hơn nhiều so với người lớn. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2018-2019, ước tính có khoảng 7,6 triệu trẻ em từ 5 đến 17 tuổi bị cúm, nhưng chỉ có 211 trường hợp tử vong, chiếm 0,002%. Ngược lại, trong khoảng 11,9 triệu người trưởng thành từ 18 đến 49 tuổi bị cúm, thì có tới 2.450 người chết, chiếm 0,02%.
 
Tuy nhiên, ông Denison cũng lưu ý rằng, những nhận định trên chỉ là lý thuyết vào thời điểm này và hiện chưa có những công trình nghiên cứu khoa học rõ ràng nào chứng minh rằng trẻ em không bị nhiễm bệnh và không thể truyền bệnh.
 
Do đó, các thói quen như rửa tay thường xuyên, giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang đúng cách và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh là thực sự cần thiết để bảo vệ cơ thể khỏi dịch bệnh cũng như virus corona.
 
Nguồn: Vnexpress

Lượt xem: 1185

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:44566
Lượt truy cập: 14043790