Thứ bảy, 18/01/2025 11:56 GMT+7

Hiểu về các phương pháp điều trị ung thư gan

Thứ tư, 25/07/2018 09:50 GMT+7

Ung thư gan là một loại bệnh tiến triển thầm lặng, khó nhận biết sớm, do đó, người bệnh thường tìm đến bác sĩ khi thời gian đã trễ, tổng trạng kém, dẫn đến việc tiên lượng xấu, điều trị khó khăn. Việc này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị ung thư gan như hiện nay có thể đem lại thêm cơ hội sống mới cho người bệnh.

Dấu hiệu của bệnh ung thư gan

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay nước ta có khoảng 7,8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính, hơn 13.000 người bị xơ gan mất bù, gần 6.000 người bị ung thư tế bào gan và hơn 6.400 người tử vong do bệnh gan gây nên.

Tại Việt Nam, ung thư gan là một loại bệnh ác tính thường gặp nhất. Đa số, nguyên nhân dẫn đến ung thư gan là do viêm gan, xơ gan và một số bệnh lý khác.

Gan là một trong những cơ quan nội tạng quan trọng nhất của cơ thể, là nguồn cung cấp khoảng 13% máu cho cơ thể, thực hiện hơn 500 chức năng khác nhau, trong đó chức năng quan trọng là hấp thu các chất dinh dưỡng và loại thải các độc tố trong máu. Hiện có hơn 100 loại bệnh gan và vô vàn các dấu hiệu khác nhau. Một số bệnh như viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, thường có những dấu hiệu không cụ thể và dễ gây nhầm lẫn…

Theo các bác sĩ, những dấu hiệu cảnh báo gan bị tổn thương, xơ gan như: có dấu hiệu buồn nôn và nôn mửa. Với triệu chứng này, người bệnh thường gặp và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh đau nửa đầu hay mang thai sớm, say xe, ngộ độc thực phẩm, trầm cảm. Những người có vấn đề về gan thường bị buồn nôn dai dẳng, khó chịu, ức ách vì chức năng thanh lọc chất độc của gan bị suy giảm.

Ngoài ra, người bệnh có các triệu chứng thường xuyên mệt mỏi; chán ăn không rõ nguyên nhân; rối loạn tiêu hóa; màu sắc nước tiểu thay đổi (dấu hiệu xơ gan); màu sắc phân thay đổi; vàng da, vàng mắt; phù tay chân; ngứa da; táo bón, tiêu chảy…

Đáng lo ngại nhất về bệnh gan là ung thư gan. Đây là một loại bệnh tiến triển thầm lặng, khó nhận biết sớm, do đó, người bệnh thường tìm đến bác sĩ khi thời gian đã trễ, tổng trạng kém, dẫn đến việc tiên lượng xấu, điều trị khó khăn.

Theo đó, các triệu chứng của bệnh gan thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh rất có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan, gia tăng tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân.

Một số phương pháp điều trị ung thư gan

Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Thái Dương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (BV ĐHYD), các phương pháp điều trị ung thư gan không phẫu thuật đóng một vai trò quan trọng và đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị ung thư gan. Hiện nay, chỉ định của các phương pháp này chiếm một tỷ lệ khoảng 40 - 60% trong tất cả các phương pháp điều trị…

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm các nhóm sau: Nhóm hủy u tại chỗ, nhóm can thiệp nội mạch, nhóm truyền hóa chất qua động mạch gan, nhóm hóa trị trung đích, nhóm xạ trị.

TS.BS. Trần Công Duy Long - Phó trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy BV ĐHYD cho biết, phẫu thuật cắt gan là phương pháp điều trị triệt để, được áp dụng phổ biến, đem đến tiên lượng tốt nhất cho người bệnh bị ung thư gan. Tuy nhiên, hầu hết ung thư gan xuất hiện ở người bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan. Do đó, việc điều trị phẫu thuật luôn được cân nhắc, đánh giá cẩn trọng và kỹ lưỡng.

Trước đây, việc đánh giá chức năng gan, tính toán phần gan còn lại có đủ và an toàn cho người bệnh hay không được xem là câu hỏi lớn, chưa có lời giải đáp. Do vậy, BV ĐHYD đã tiên phong trong việc đánh giá chức năng gan và tính toán thể tích gan giữ lại cho người bệnh.

Cắt bỏ một phần gan mang khối u là một trong những biện pháp điều trị triệt để nhất, đem lại tiên lượng sống tốt nhất cho người bệnh… Mặc dù gan có khả năng tân sinh phì đại bù trừ, nhưng việc cắt bỏ một phần gan ở người bệnh bị viêm xơ gan là vấn đề khá gay go, luôn được các phẫu thuật viên cân nhắc kĩ càng trước khi phẫu thuật.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia BV ĐHYD phải tính toán, xác định phần gan còn lại bao nhiêu là đủ, đảm bảo việc cắt hết các tế bào ung thư nhưng vẫn đảm bảo an toàn chất lượng sống cho người bệnh.

Trong một số trường hợp không đảm bảo an toàn khi cần cắt một phần gan mang u, hoặc gan không đủ lớn, thì thủ thuật thuyên tắc tĩnh mạch cửa được xem là giải pháp tối ưu, giúp gan tăng sinh, từ đó, người bệnh có cơ hội phẫu thuật, nâng cao hiệu quả điều trị ung thư cũng như đảm bảo sự an toàn.

Ngoài ra, việc điều trị ung thư gan áp dụng kỹ thuật đo độ thanh lọc ICG của gan, đây là một trong những kỹ thuật đánh giá chức năng gan chính xác và được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, các bác sĩ có thể xác định được trường hợp người bệnh nào có thể cắt gan, mức độ cắt gan cho phép thực hiện…

Từ đó, tính an toàn của người bệnh khi phẫu thuật điều trị ung thư gan được nâng lên tối đa. Phẫu thuật nội soi cắt gan được xem là phương pháp điều trị triệt để, ít xâm lấn, giúp người bệnh ít đau, giảm biến chứng, phục hồi nhanh với sẹo mổ thẩm mỹ…

Trong số các người bệnh phẫu thuật cắt gan, có từ 1/3 đến 1/4 số lượng được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi, thay vì đường mổ dài dưới xương sườn, người bệnh chỉ phải chịu vết mổ nhỏ từ 4 mm - 1 cm, thời gian nằm viện chỉ từ 4 - 6 ngày.

Được biết, từ trước đến nay tại các trung tâm y khoa về gan trên thế giới, phẫu thuật cắt và ghép gan vẫn được xem là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao…

Một bác sĩ BV ĐHYD cho biết: “Có nhiều yếu tố cần xem xét thận trọng trong điều trị bệnh lý ung thư gan như vị trí khối u, kích thước khối u, số lượng u, phần thể tích mô gan còn lại sau phẫu thuật cắt gan, độ tuổi, các bệnh lý khác như tim mạch và mức độ xơ gan… các yếu tố này ảnh hưởng đáng kể đến số lượng người bệnh được chỉ định phẫu thuật. Tỷ lệ người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt gan tại nhiều trung tâm trên thế giới chiếm khoảng 10 - 20%...”.

Nguồn: Báo Lao Động

 

 

Lượt xem: 2798

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:18201
Lượt truy cập: 14089350