Thứ bảy, 11/01/2025 04:02 GMT+7

Công đoàn Việt Nam trước yêu cầu đổi mới

Thứ ba, 28/07/2020 16:16 GMT+7

Trải qua 91 năm hình thành và phát triển (1929 - 2020), Công đoàn Việt Nam (CĐVN) đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Việt Nam. Trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ đất nước; trước nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ xuất hiện, đòi hỏi CĐVNphải tiếp tục đổi mới với tầm mức cao hơn, đột phá hơn. Đây là nhu cầu tự thân của tổ chức, là đòi hỏi của đoàn viên, người lao động, là mệnh lệnh của cuộc sống.

Tình hình mới, yêu cầu mới
 
Sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nước ta có sự phát triển vượt bậc; giai cấp công nhân (GCCN) và tổ chức Công đoàn Việt Nam (CĐVN) lớn mạnh toàn diện. Số lượng công đoàn cơ sở (CĐCS) và đoàn viên CĐ tăng nhanh. Đội ngũ cán bộ CĐ được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao về chất lượng.
 
Hoạt động CĐ ngày càng thiết thực, tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ); tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta những năm qua, CĐVN chưa thực sự theo kịp, có mặt chậm đổi mới, còn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục.
 
Những năm tới, điều kiện và môi trường hoạt động của tổ chức CĐ dự báo có những thay đổi quan trọng. Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều quyết sách cho giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển nhanh, bền vững đất nước. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra nhanh chóng tác động sâu sắc đến đời sống, sản xuất, việc làm và phương thức tập hợp NLĐ; thị trường lao động và quan hệ lao động sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới, có mặt phức tạp hơn. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với các nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) và các công ước quốc tế về lao động, đáng chú ý là việc cho phép thành lập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp ngoài tổ chức CĐVN - vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ.
 
Trong khi đó, số lượng đoàn viên, NLĐ khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục tăng nhanh, chiếm tỉ lệ chủ yếu và sẽ chi phối hoạt động của tổ chức CĐ. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật, ý thức chính trị, tác phong công nghiệp của phần đông NLĐ còn hạn chế, song sẽ có yêu cầu, đòi hỏi lớn hơn ở tổ chức đại diện cho mình. Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, CĐ của một bộ phận người sử dụng lao động sẽ còn diễn ra; trong khi những yếu kém từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội cần thời gian để dần khắc phục. Dịch bệnh COVID-19 diễn ra trong nhiều tháng qua tác động sâu rộng đến đời sống, việc làm của NLĐ và nền kinh tế đất nước, chưa thể đánh giá hết và có thể kéo dài.
 
Mục tiêu lớn, quyết tâm cao
 
Tình hình mới sẽ tác động sâu sắc tới tổ chức và hoạt động CĐ, đòi hỏi CĐVN phải đổi mới toàn diện. Mục tiêu đổi mới hướng tới: Xây dựng CĐVN vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng trong bối cảnh mới, giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết NLĐ, là tổ chức đại diện lớn nhất, chỗ dựa tin cậy của NLĐ, thành viên tích cực trong hệ thống chính trị, giữ mối liên hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa đông đảo quần chúng lao động với Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần xây dựng GCCN Việt Nam lớn mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Đổi mới để phát huy vai trò, củng cố vị trí, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐVN theo quy định của Hiến pháp; vừa làm tốt vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, vừa xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết GCCN và NLĐ cả nước. Xây dựng CĐVN vững mạnh toàn diện, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta.
 
Đổi mới có trọng tâm, trọng điểm; phát huy vai trò của cả hệ thống, nhất là CĐCS, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ, phát triển bền vững CĐ khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ song song với việc thiết kế các mô hình tập hợp, tổ chức hoạt động phù hợp.
 
Đổi mới phải góp phần giữ vững và tăng cường bản chất GCCN của Đảng; phát huy vai trò của CĐ trong xây dựng GCCN lớn mạnh; tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Một số nhiệm vụ trọng tâm
 
Đổi mới CĐVN là yêu cầu cấp thiết và là nhiệm vụ to lớn đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực lớn của toàn hệ thống dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xin nêu một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.
 
Một là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới việc phát động và triển khai các phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò của từng cấp CĐ và đoàn viên, NLĐ, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Hai là, tạo sự chuyển biến căn bản việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, tập trung vào công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đối thoại và thương lượng tập thể; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ
 
Ba là, tập trung xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, đổi mới mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, NLĐ; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp tục nâng cao vai trò và vị thế của CĐVN trong bối cảnh mới.
 
Bốn là, tiếp tục tham gia có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng và chính quyền các cấp; xây dựng GCCN lớn mạnh và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
 
Năm là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản và hoạt động sự nghiệp, kinh tế CĐ, tạo nguồn lực đủ mạnh để phục vụ đoàn viên và NLĐ ngày càng tốt hơn.
 
Sáu là, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức hoạt động CĐ theo hướng khoa học, kịp thời, thiết thực, cấp trên phục vụ cấp dưới, CĐCS gắn bó và phục vụ đoàn viên, NLĐ, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hướng mạnh về cơ sở, tăng cường phối hợp, coi trọng giám sát và phản biện xã hội, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động CĐ.
 
Đồng thời, các cấp CĐ cũng kiến nghị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động đối với CĐVN trong tình hình mới.
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1397

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:4377
Lượt truy cập: 14062573