Thứ năm, 16/01/2025 23:09 GMT+7

Phát hiện kháng thể ngăn lây nhiễm COVID-19

Thứ ba, 05/05/2020 11:00 GMT+7

TTO - Các nhà khoa học đã xác định được một kháng thể đơn dòng trong phòng thí nghiệm có thể ngăn chặn COVID-19 mới lây nhiễm vào các tế bào. Họ hi vọng dùng nó để tạo ra phương pháp điều trị ngăn chặn đại dịch.

Kết quả nghiên cứu được nhóm nhà khoa học Hà Lan công bố trên tạp chí Nature hôm 4-5. Theo đó, một kháng thể có tên là 47D11 có thể liên kết với protein tăng đột biến mà coronavirus mới (SARS-CoV-2) sử dụng để xâm nhập cơ thể và ngăn chặn nó theo cách trung hòa mầm bệnh.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, các nhà khoa học thế giới bước vào cuộc đua nghiên cứu và điều chế vắcxin. Vì chưa có vắcxin hoặc phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh nên nhóm nhà khoa học từ Hà Lan đã tìm hiểu xem liệu các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody - mAb) có thể giúp chữa trị bệnh nhân mắc COVID-19 hay không. 

Kháng thể đơn dòng là một loại protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm có thể liên kết với một chất cụ thể trong cơ thể. Những loại kháng thể này bắt chước cách hệ thống miễn dịch phản ứng với mối đe dọa và được sử dụng để điều trị một số dạng ung thư.

Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiêm vào những con chuột có các kháng thể tương tự như ở người loại protein tăng đột biến mà virus gây ra SARS, MERS và SARS-CoV-2 sử dụng xâm chiếm tế bào. Kết quả là cơ thể những con chuột này tạo ra 51 kháng thể có khả năng vô hiệu hóa protein tăng đột biến.

Nhóm khoa học tiếp tục nghiên cứu để xem liệu các kháng thể có vô hiệu hóa được virus SARS-CoV (loại virus gây ra dịch SARS năm 2003) và SARS-CoV-2 trong các mẫu tại phòng thí nghiệm hay không và đã tìm thấy kháng thể 47D11.

Phó giáo sư Berend-Jan Bosch (Đại học Utrecht, Hà Lan) cho biết nghiên cứu dựa trên công trình đã thực hiện trước đó về các kháng thể có thể tiêu diệt SARS-CoV.

Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư sinh học tế bào Frank Grosveld tại Trung tâm Y tế Erasmus (Rotterdam, Hà Lan) cho biết: "Phát hiện này cung cấp nền tảng vững chắc cho các nghiên cứu sau này nhằm phát triển phương pháp điều trị COVID-19".

Khi kết quả nghiên cứu được công bố, giới khoa học thế giới đều tỏ ra vui mừng. Tuy vẫn có những hạn chế nhất định (như việc ngăn chặn sự lây nhiễm hoàn toàn dựa trên công việc nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm và thực hiện trên động vật mà chưa triển khai trên con người), tất cả đều đặt nhiều hi vọng vào phát hiện mới này và ủng hộ việc phát triển thêm kháng thể 47D11 như phương pháp điều trị COVID-19 tiềm năng.

Theo Babak Javid - giáo sư Đại học Y khoa Tsinghua (Trung Quốc) và chuyên gia tư vấn về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Cambridge ở Anh, đây là một phát hiện thú vị, vì một trong những thử nghiệm đang được giới khoa học rất quan tâm là phương pháp điều trị COVID-19 bằng huyết tương.

 

Tuy nhiên, việc dùng huyết tương rất khó áp dụng rộng rãi và không đảm bảo an toàn vì phải nghiên cứu sử dụng máu. Do đó, giới khoa học rất quan tâm đến việc xác định các kháng thể riêng lẻ có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2. Kháng thể đơn dòng cũng không gây lo ngại về an toàn như khi sử dụng máu, nên có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm thay vì được tinh chế từ máu của mọi người.

Lượt xem: 1417

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:43818
Lượt truy cập: 14085206