Thứ sáu, 17/01/2025 04:42 GMT+7

Điểm mới trong Bộ Luật Lao động về hợp đồng lao động mà NLĐ cần biết

Thứ tư, 05/02/2020 11:27 GMT+7

Nội dung về hợp đồng lao động trong Bộ Luật Lao động được sửa đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo hơn sự tự do giao kết hợp đồng lao động.

Bộ luật Lao động sửa đổi (BLLĐ) vừa được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 20-11-2019 với 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
 
Khi NLĐ muốn thôi việc, chỉ phải báo trước cho NSDLĐ mà không cần phải có lý do
 
Trong số 17 chương của BLLĐ thì chương HĐLĐ là một trong số các chương rất quan trọng, là khung pháp lý cho sự thỏa thuận các nội dung trong HĐLĐ, cho việc thực hiện và chấm dứt HĐLĐ của hai bên NLĐ và NSDLĐ.
 
Dựa trên khung pháp lý đã được quy định, HĐLĐ ghi nhận những cam kết làm cơ sở cho việc thực hiện và đảm bảo các quyền, nghĩa vụ của các bên, thể hiện ý chí của các bên, sự bình đẳng, tự do của NLĐ và NSDLĐ trong quá trình xác lập và duy trì mối quan hệ lao động.HĐLĐ là cơ sở để giải quyết các chế độ liên quan đến NLĐ, như tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và cũng là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa hai bên trong quan hệ lao động (HĐLĐ bằng văn bản vừa đóng vai trò là chứng cứ chứng minh, vừa đóng vai trò là "quy phạm" để giải quyết các vụ việc tranh chấp).
 
Chương HĐLĐ trong BLLĐ được sửa đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo hơn sự tự do giao kết HĐLĐ; tôn trọng các nguyên tắc của hợp đồng trong kinh tế thị trường; phòng tránh lao động cưỡng bức và tạo hành lang thuận lợi hơn trong thực hiện hợp đồng. Những nội dung sửa đổi, bổ sung ở chương này tập trung chủ yếu vào những vấn đề chính sau đây:
 
Mọi hợp đồng bất kể tên gọi là gì, đều được coi là HĐLĐ nếu có đủ 3 dấu hiệu: (1) làm việc trên cơ sở thỏa thuận; (2) có trả lương; (3) Có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên. Quy định này là cần thiết để giải quyết tình trạng lách các quy định của Luật, dùng tên gọi khác để né tránh trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của NSDLĐ về tiền lương, trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội cho NLĐ.
 
Các bên lựa chọn một trong hai loại HĐLĐ để giao kết là HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn không quá 36 tháng.
 
BLLĐ đã bỏ loại HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định. Theo đó các bên lựa chọn một trong hai loại HĐLĐ để giao kết là HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn không quá 36 tháng.
 
Các bên có thể lựa chọn linh hoạt về thử việc, thử việc nằm trong HĐLĐ hoặc ký hợp đồng thử việc riêng. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
 
Bộ luật cũng bổ sung quy định thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Khi NLĐ muốn thôi việc, chỉ phải báo trước cho NSDLĐ mà không cần phải có lý do. Quy định này nhằm đảm bảo quyền được lựa chọn việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng chống cưỡng bức lao động. Bất cứ khi nào mà người lao động cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được việc làm tốt hơn ở doanh nghiệp khác thì đều có thể thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, chỉ cần thông báo trước cho NSDLĐ một khoảng thời gian theo luật định là 45 ngày hoặc 30 ngày hoặc 3 ngày, tùy loại HĐLĐ đã giao kết, để NSDLĐ có đủ thời gian tìm kiếm lao động thay thế. Riêng đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ.
 
7 trường hợp không cần thông báo trước: (1) Không được bố trí đúng công việc; (2) Không được trả đủ lương, trả lương không đúng thời hạn; (3) Bị NSDLĐ ngược đãi, đánh đập, có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, bị cưỡng bức lao động; (4) Bị quấy rối tình dục; (5) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sỹ; (6) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trừ trường hợp 2 bên có thỏa thuận khác; (7) NSDLĐ cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ.
 
NSDLĐ được linh hoạt hơn về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, bổ sung thêm 3 trường hợp: (1) NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; (2) NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên; (3) NLĐ cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết HĐLĐ làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động.
 
Thời hạn báo trước là 45 ngày hoặc 30 ngày hoặc 3 ngày, tùy loại HĐLĐ. Riêng đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ.
 
Có 2 trường hợp không phải báo trước: (1) NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn luật định trong trường hợp tạm hoãn HĐLĐ; (2) NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.
 
Phương thức mới giao kết HĐLĐ, HĐLĐ được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có trị như HĐLĐ bằng văn bản. Quy định này phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể ký kết HĐLĐ linh hoạt hơn trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và dịch chuyển lao động toàn cầu thì hình thức HĐLĐ bằng "văn bản" không chỉ hiểu ở dạng "giấy tờ" mà còn tồn tại dưới các hình thức thư điện tử email, các giao dịch điện tử và đi kèm với nó có thể là chữ ký số.
 
Quy định thêm về trường hợp chấm dứt HĐLĐ là NSDLĐ không phải là cá nhân bị cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật (chủ bỏ trốn). Với quy định này, trong trường hợp chủ bỏ trốn, HĐLĐ được chấm dứt, do vậy có cơ sở để giải quyết các quyền lợi của người lao động, đặc biệt là vấn đề chốt sổ bảo hiểm xã hội, hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, các chế độ bảo hiểm xã hội khác,…
 
Quy định hợp lý về thời gian giải quyết và trách nhiệm của 2 bên khi chấm dứt HĐLĐ. Bộ luật (sửa đổi) quy định tăng thêm thời gian từ 7 ngày lên 14 ngày làm việc để hai bên NLĐ và NSDLĐ thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi mỗi bên; trường hợp đặc biệt vẫn giữ nguyên tối đa 30 ngày. Đồng thời quy định bổ sung trách nhiệm của NSDLĐ hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội của NLĐ, cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của NLĐ nếu NLĐ có yêu cầu và trả mọi chi phí sao gửi tài liệu.
 
Trên cơ sở khung pháp lý về quyền và trách nhiệm của NLĐ và NSDLĐ trong quá trình ký kết, thực hiện và chấm dứt HĐLĐ, từng cá nhân NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận về 1 bản HĐLĐ cụ thể và hai có nghĩa vụ thực hiện và chấm dứt HĐLĐ theo đúng các quy định của Bộ luật.
 
Nguồn: Báo Người Lao Động

Lượt xem: 1323

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:3731
Lượt truy cập: 14085828