Tỉ lệ người tham gia BHYT đạt 90% dân số
Theo đánh giá của Bộ Y tế, chất lượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê đến năm 2018, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Y tế, 5 năm qua, việc thực hiện chính sách BHYT có sự vào cuộc, phối hợp của cả hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương. Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHYT được đẩy mạnh, người dân ngày càng thuận lợi do số cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT tăng hằng năm cùng với việc nâng cao chất lượng. Người tham gia cũng được tạo điều kiện trong KCB BHYT ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế tuyến xã nào trong phạm vi tỉnh và tuyến huyện trong phạm vi toàn quốc.
BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã chủ động và tích cực cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT như ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin… đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách BHYT
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định, hiệu quả trong thực hiện Luật BHYT 5 năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật.
Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT cũng cần được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp với thực tiễn như: Phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh BHYT; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; công tác giám định; quản lý và sử dụng quỹ BHYT…
Hiện, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi được Bộ Y tế xây dựng có 12 chương, 61 điều. Mục tiêu sửa đổi nhằm khắc phục các tồn tại, bất hợp lý sau 10 năm thực hiện Luật BHXH; đổi mới chính sách, pháp luật về BHYT trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về chính sách BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, học tập bài học kinh nghiệm về BHYT trên thế giới; đồng bộ với những quy định tại các luật có liên quan.
Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, việc xây dựng, sửa đổi Luật BHYT cần đảm bảo các nguyên lý chung, phù hợp với thông lệ, tính đến các đối tượng, điều kiện đặc thù nhưng cũng cần hướng tới bước đột phá, tìm ra những nguyên lý kết hợp BHYT với nhiều loại hình khác để nâng cao tính linh hoạt, bao phủ, phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn.
Nguồn: Báo Lao Động