Thứ bảy, 25/01/2025 02:52 GMT+7

Tham gia bảo hiểm xã hội hoàn toàn có lợi cho người lao động

Thứ ba, 22/10/2019 10:44 GMT+7

Số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tính đến tháng 9.2019 là hơn 15.200.000 người, trong đó người tham gia BHXH bắt buộc hơn 14.700.000 người, tăng hơn 2,2% so với 2018; BHXH tự nguyện hơn 463.000 người, tăng mạnh so với 2018, tăng 6,7%

Tại Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những lợi ích khi tham gia BHXH”, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ tiêu số người tham gia BHXH tăng hằng năm, hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao. Nếu tính 5 năm trở lại đây, từ năm 2014, hàng năm số người tham gia BHXH tăng bình quân hơn 5,8%.
 
BHXH tự nguyện có tốc độ tăng lớn hơn. Số người tham gia BHXH bắt buộc tính đến tháng 9.2019 là hơn 15.200.000 người, trong đó người tham gia BHXH bắt buộc hơn 14.700.000 người, tăng hơn 2,2% so với 2018; BHXH tự nguyện hơn 463.000 người, tăng mạnh so với 2018, tăng 6.7%.
Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những lợi ích khi tham gia BHXH”. 
 
Để có những kết quả trên, thứ nhất, BHXH Việt Nam triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như ngành tổ chức nghiên cứu triển khai quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong toàn ngành và đặc biệt mới đây là Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi.
 
Thứ hai, tập trung tham mưu lãnh đạo chỉ đạo trong thực hiện, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 102 về việc giao chỉ tiêu phát triển số người tham gia cho các địa phương, xây dựng các chương trình hành động, ban hành Chương trình hành động số 107 về thực hiện Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt; giao kế hoạch thu chi sớm cho các địa phương chủ động trong thực hiện.
 
Các văn bản về triển khai các hoạt động nghiệp vụ như Quyết định số 2445 về Thành lập Ban chỉ đạo phát triển các đối tượng tham gia BHXH, giao chỉ tiêu số người tham gia BHXH giai đoạn 2019-2021. Trong quá trình chỉ đạo điều hành, chúng tôi có theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tình hình hằng ngày, hằng tuần, hàng tháng để nắm bắt kịp thời tình hình thực tế có chỉ đạo và có biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
 
Thứ ba, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hồ sơ, quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao chất lượng hiệu quả, tiến tới đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 nâng cao chất lượng dịch vụ.
 
Một nội dung quan trọng nữa là tập trung cho công tác thanh tra, kiểm tra với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng xử lý vi phạm theo quy định. Một giải pháp nữa cần phải tính đến là trong cải tiến cách thức thu BHXH tự nguyện.
 
Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết, theo Luật BHXH năm 2014, “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc qua đời, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội”.
 
Như vậy, đối tượng của BHXH là thu nhập của người lao động; chính sách BHXH được thực hiện trên cơ sở huy động sự đóng góp, tích lũy của những người lao động khi còn trẻ, còn khỏe mạnh để bảo đảm ổn định thu nhập khi gặp phải các rủi ro.
 
Chính sách BHXH đang được thực hiện với hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Theo đó:
 
BHXH bắt buộc được áp dụng đối với người lao động có quan hệ lao động (làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ một tháng trở lên); về cơ bản được thực hiện với năm chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất; trách nhiệm đóng góp được quy định thuộc về cả người lao động và người sử dụng lao động.
 
BHXH tự nguyện được áp dụng đối với những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; hiện đang được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do không có quan hệ lao động theo hợp đồng nên trách nhiệm đóng góp thuộc về người lao động.
 
Ngoài các chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN mang tính chia sẻ giữa người khỏe mạnh với người bị ốm đau, tai nạn rủi ro; chế độ hưu trí trong chính sách BHXH đang được thiết kế rất có lợi cho người lao động với mức hưởng đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp.
 
Giả sử một lao động nữ đóng trong 20 năm với mức đóng là 22% tiền lương tháng thì mức hưởng là 55% tiền lương bình quân với thời gian hưởng dựa trên tuổi thọ trung bình của nữ ở độ tuổi 55 là 24,6 năm. Rõ ràng mức hưởng đang cao hơn gấp nhiều lần so với mức đóng, trong khi thời gian hưởng dài hơn so với thời gian đóng góp. Ngoài ra, với người hưởng lương hưu còn được hưởng chính sách BHYT do Quỹ BHXH bảo đảm, khi qua đời thân nhân được hưởng chế độ mai táng và trợ cấp tuất. Như vậy, việc tham gia BHXH là hoàn toàn có lợi đối với người lao động.
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1513

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:819
Lượt truy cập: 14118403