Thứ ba, 23/04/2024 16:33 GMT+7
Thứ hai, 01/07/2013 11:31 GMT+7

Nội dung chính của Hiệp định Trips

Hiệp định TRIPS bao gồm những nội dung chính sau đây: (i) tiêu chuẩn liên quan đến khả năng đạt được, phạm vi và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ  đối với bảy đối tượng sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế (bao gồm giống cây trồng), thiết kế bố trí mạch tích hợp và thông tin bí mật; (ii) quy định về kiểm soát thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ; (iii) quy định chi tiết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ; (iv) quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ theo Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.[1]

 

1.      Các tiêu chuẩn liên quan đến khả năng đạt được, phạm vi và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ

 

(a)  Quyền tác giả và quyền liên quan

 

i)  Quyền tác giả

 

Hiệp định TRIPS khẳng định phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm sự thể hiện và không bao gồm các ý tưởng, trình tự, phương pháp tính hoặc các khái niệm toán học (Điều 9.2). Các chương trình máy tính, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ quyền tác giả như những tác phẩm văn học (Điều 10.1). Các cơ sở dữ liệu, bộ sư tập dữ liệu hoặc tư liệu khác đều phải được bảo hộ quyền tác giả thậm chí cơ sở dữ liệu chứa đựng dữ liệu không được bảo hộ quyền tác giả (Điều 10.2).

 

Ít nhất là đối với chương trình máy tính và tác phẩm điện ảnh, các nước thành viên phải dành cho tác giả và người thừa kế hợp pháp của họ quyền cho phép hoặc cấm việc cho công chúng thuê bản gốc hoặc bản sao các tác phẩm của họ nhằm mục đích thương mại (Điều 11).

 

 Theo quy định tại Điều 12, nếu thời hạn bảo hộ tác phẩm (ngoại trừ đối với tác phẩm nhiếp ảnh và tác phẩm nghệ thuật ứng dụng) không được tính theo đời người, thời hạn đó không được dưới 50 năm kể từ khi kết thúc năm dương lịch mà tác phẩm được công bố một cách hợp pháp, hoặc 50 năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà tác phẩm được tạo ra nếu tác phẩm không được công bố một cách hợp pháp trong vòng 50 năm từ ngày tạo ra tác phẩm. Hiệp định TRIPS yêu cầu các nước thành viên WTO giới hạn những hạn chế và ngoại lệ đối với các độc quyền trong những trường hợp đặc biệt nhất định nhưng với điều kiện không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không làm tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ thể nắm giữ quyền (Điều 13). Trong vụ việc US- Section 110(5) Copyright Act,[2] Ban hội thẩm đã giải thích Điều 13 Hiệp định TRIPS, cụ thể về các nội dung: phạm vi,[3] mối quan hệ với các quy định khác[4] và điều kiện áp dụng.[5]

 

ii) Quyền liên quan

 

Hiệp định TRIPS bao gồm những quy định về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát thanh, truyền hình. Theo Hiệp định, người biểu diễn có quyền ngăn cấm ghi thu, lưu định cuộc biểu diễn bằng phương tiện ghi âm. Quyền ghi thu, lưu định của người biểu diễn chỉ liên quan đến âm thanh chứ không liên quan đến cả âm thanh và hình ảnh. Người biểu diễn còn có quyền ngăn cấm tái tạo, nhân bản bản ghi âm. Người biểu diễn cũng có quyền ngăn cấm phát qua phương tiện vô tuyến và truyền cho công chúng buổi biểu diễn trực tiếp của họ (Điều 14.1). Hiệp định TRIPS yêu cầu các nước thành viên WTO cho phép nhà sản xuất bản ghi âm độc quyền sao chép các bản ghi âm của họ (Điều 14.2). Thêm vào đó, theo Điều 14.4, nhà sản xuất bản ghi âm còn có độc quyền cho thuê bản ghi âm. Các tổ chức phát thanh, truyền hình phải có quyền ngăn cấm các hành vi sau đây nếu thực hiện mà không được họ cho phép: ghi, sao chép bản ghi, phát lại qua phương tiện vô tuyến chương trình, cũng như truyền hình cho công chúng các chương trình (Điều 14.3).

 

Thời hạn bảo hộ người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm ít nhất là 50 năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà việc ghi âm hoặc buổi biểu diễn được tiến hành và thời hạn bảo hộ tổ chức phát sóng ít nhất là 20 năm tính khi kết thúc năm dương lịch mà chương trình phát thanh, truyền hình được thực hiện (Điều 14.5). Hiệp định TRIPS cho phép các nước thành viên WTO quy định về các điều kiện, hạn chế, ngoại lệ và bảo lưu đối với những quyền được quy định cho người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát thanh, truyền hình trong phạm vi quy định của Công ước Rome (Điều 14.6.).

 

(b)  Nhãn hiệu

 

Hiệp định TRIPS quy định rất rộng về phạm vi các dấu hiệu có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu, đó là bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp các dấu hiệu, bao gồm dấu hiệu nhìn thấy được (như các chữ cái, các chữ số, các yếu tố hình họa) và dấu hiệu không nhìn thấy được (như âm thanh, mùi, vị) có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể được đăng ký làm nhãn hiệu (Điều 15.1). Các nước thành viên WTO có thể quy định khả năng được đăng ký phụ thuộc vào “tính phân biệt đạt được thông qua việc sử dụng” khi bản thân các dấu hiệu không có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ tương ứng.

 

Chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký có độc quyền ngăn cấm những người khác không được sự đồng ý của mình sử dụng trong hoạt động kinh doanh các dấu hiệu trùng hoặc tương tự cho hàng hóa hoặc dịch vụ trùng hoặc tương tự với những hàng hóa hoặc dịch vụ được đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng như vậy có nguy cơ gây nhầm lẫn. “Việc sử dụng cùng một dấu hiệu cho cùng một loại hàng hóa  hoặc dịch vụ phải bị coi là có nguy cơ gây nhầm lẫn” (Điều 16.1).

 

Vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại Điều 16.2 và Điều 16.3 Hiệp định TRIPS. Những quy định này của Hiệp định TRIPS cung cấp sự bảo hộ bổ sung cho nhãn hiệu nổi tiếng đã được quy định tại Điều 6bis Công ước Paris. Trước hết, Hiệp định TRIPS khẳng định rằng “Điều 6bis Công ước Paris (1967) phải được áp dụng, với những sửa đổi thích hợp, đối với các dịch vụ”. Để xác định một nhãn hiệu có nổi tiếng hay không, không chỉ phải xem xét danh tiếng của nhãn hiệu đó trong bộ phận công chúng có liên quan thông qua sử dụng nhãn hiệu mà còn thông qua hoạt động quảng cáo nhãn hiệu. Hơn nữa, bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng mở rộng đối với hàng hóa hoặc dịch vụ không tương tự với những hàng hóa hoặc dịch vụ được đăng ký kèm theo nhãn hiệu nổi tiếng, với điều kiện việc sử dụng nhãn hiệu đó thể hiện mối liên hệ giữa hàng hóa hoặc dịch vụ này với chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký và lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký có nguy cơ bị tổn hại do việc sử dụng nhãn hiệu.

 

Theo quy định tại Điều 17, các Thành viên WTO có thể quy định một số ngoại lệ đối với các quyền đã quy định cho chủ sở hữu nhãn hiệu, chẳng hạn như sử dụng lành mạnh các thuật ngữ mang tính chất mô tả, với điều kiện những ngoại lệ đó không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu và của bên thứ bên. Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu cho lần đầu đăng ký đầu tiên và mỗi lần gia hạn ít nhất là 07 năm. Số lần gia hạn hiệu lực đăng ký nhãn hiệu không bị giới hạn (Điều 18).                                                                                    

 

Về yêu cầu sử dụng nhãn hiệu, Hiệp định TRIPS quy định như sau: chỉ được hủy bỏ một nhãn hiệu trên cơ sở không sử dụng nếu việc không sử dụng diễn ra ít nhất ba năm liên tục, trừ trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra những lý do chính đáng cản trở việc sử dụng nhãn hiệu. Các trường hợp không sử dụng nhãn hiệu không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu nhãn hiệu, chẳng hạn việc hạn chế nhập khẩu hoặc những hạn chế khác của chính phủ, được coi là lý do chính đáng cho việc không sử dụng nhãn hiệu. Việc người khác sử dụng nhãn hiệu dưới sự kiểm soát của chủ sở hữu nhãn hiệu phải được công nhận là sử dụng nhãn hiệu nhằm duy trì hiệu lực đăng ký nhãn hiệu (Điều 19).

 

(c)  Chỉ dẫn địa lý

 

Định nghĩa chỉ dẫn địa lý được đưa ra tại Điều 22.1 Hiệp định TRIPS. Theo đó, “chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một nước Thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định.” Hiệp định yêu cầu các Thành viên WTO cung cấp các phương tiện pháp lý để ngăn chặn việc sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn cho công chúng về nguồn gốc địa lý của hàng hóa và việc sử dụng cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo nghĩa của Điều 10bis Công ước Paris (Điều 22.2).

 

Mối quan hệ giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được đề cập tại Điều 22.3. Cụ thể, phải từ chối đăng ký nhãn hiệu hoặc hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu đã đăng ký theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu của các bên liên quan, nếu nhãn hiệu sử dụng chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn cho công chúng về xuất xứ thực của hàng hóa.

 

Cần lưu ý rằng Hiệp định TRIPS cung cấp sự bảo hộ đặc biệt đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho rượu vang và rượu mạnh (Điều 23). Theo đó, các Thành viên WTO phải cung cấp những biện pháp pháp lý để ngăn ngừa việc sử dụng một chỉ dẫn địa lý của rượu vang cho những loại rượu vang không bắt nguồn từ lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó. Quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp công chúng không nhầm lẫn, không cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh và nguồn gốc thực sự của hàng hóa được chỉ ra hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng gắn với các từ như “loại”, “kiểu”, “dạng”, “phỏng theo” hoặc tương tự như vậy. Việc bảo hộ tương tự được áp dụng cho rượu mạnh và cho nhãn hiệu. Các trường hợp ngoại lệ đối với bảo hộ chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 24.

 

(d)  Kiểu dáng công nghiệp

 

Hiệp định TRIPS yêu cầu các Thành viên WTO bảo hộ các kiểu dáng công nghiệp mới hoặc nguyên gốc được tạo ra một cách độc lập và sự bảo hộ đó không áp dụng cho những kiểu dáng công nghiệp chủ yếu do đặc tính kỹ thuật và chức năng quyết định (Điều 25.1).

 

Xuất phát từ mối liên hệ không thể phủ nhận giữa kiểu dáng công nghiệp và ngành công nghiệp dệt, thời gian tồn tại ngắn của những kiểu dáng mới trong lĩnh vực dệt, Hiệp định TRIPS bao gồm một quy định riêng về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho hàng dệt. “[B]ảo hộ đối với các kiểu dáng hàng dệt, đặc biệt là yêu cầu về lệ phí, xét nghiệm hoặc công bố, không làm giảm một cách bất hợp lý cơ hội tìm kiếm và đạt được sự bảo hộ đó. Các Thành viên được tự do lựa chọn áp dụng pháp luật kiểu dáng công nghiệp hoặc pháp luật bản quyền để thực hiện nghĩa vụ này” (Điều 25.2).

 

Điều 26.1 yêu cầu các Thành viên WTO trao cho chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp quyền ngăn cấm những người không được sự đồng ý của mình sản xuất, bán hoặc nhập khẩu các sản phẩm mang hoặc thể hiện một kiểu dáng là bản sao, hoặc về cơ bản là bản sao, của kiểu dáng đã được bảo hộ, nếu các hành vi này nhằm mục đích thương mại. Các Thành viên được phép quy định các ngoại lệ đối với việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với điều kiện các ngoại lệ đó không mâu thuẫn bất hợp lý với việc khai thác bình thường kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ và không làm tổn hại một cách bất hợp lý lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ, trong trường hợp này cần xem xét cả lợi ích của các bên thứ ba (Điều 26.2). Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tối thiểu là 10 năm (Điều 26.3).

 

(e)  Sáng chế

 

Hiệp định TRIPS đòi hỏi các Thành viên bảo hộ sáng chế cho sản phẩm hoặc quy trình thuộc mọi lĩnh vực công nghệ với điều kiện sản phẩm hoặc quy trình có tính mới, có trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp (Điều 27.1). Có thể loại trừ không cấp bằng độc quyền sáng chế trong ba trường hợp. Thứ nhất, đối với những sáng chế trái ngược với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội; kể cả những sáng chế gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người và động vật hoặc thực vật hoặc để tránh gây nguy hại nghiêm trọng cho môi trường (Điều 27.2). Thứ hai, các Thành viên có thể không cấp bằng độc quyền sáng chế cho các phương pháp chẩn đoán bệnh, các phương pháp nội và ngoại khoa để chữa bệnh cho người và động vật (Điều 27.3(a)). Thứ ba, các Thành viên có thể không cấp bằng độc quyền sáng chế cho thực vật và động vật, chủ yếu mang tính chất sinh học và không phải là các quy trình phi sinh học hoặc vi sinh. Tuy nhiên, bất kỳ nước nào không bảo hộ giống cây trồng theo hệ thống sáng chế đều phải quy định một hệ thống bảo hộ riêng hữu hiệu đối với giống cây trồng (Điều 27.3(b)).

 

Chủ sở hữu sáng chế có quyền sản xuất, sử dụng, chào hàng, bán sản phẩm và nhập khẩu sản phẩm để thực hiện những mục đích nêu trên. Nếu sáng chế là một quy trình, chủ sở hữu sáng chế không chỉ có quyền đối với quy trình mà còn có quyền đối với sản phẩm tạo ra trực tiếp bằng quy trình đó. Chủ sở hữu sáng chế cũng có quyền chuyển nhượng, để lại thừa kế quyền đối với sáng chế và giao kết các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (Điều 28). Các Thành viên WTO có thể quy định những ngoại lệ đối với các quyền nêu trên, với điều kiện những ngoại lệ đó không mâu thuẫn bất hợp lý với việc khai thác bình thường sáng chế và không gây tổn hại bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu sáng chế và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba (Điều 30). Trong vụ Canada-Pharmaceutical Patents,[6] Ban hội thẩm đã làm rõ các quyền chủ sở hữu sáng chế được quy định tại Điều 28 và những ngoại lệ đối với các quyền này được quy định tại Điều 30.

 

Thời hạn bảo hộ sáng chế không được ngắn hơn 20 năm tính từ ngày nộp đơn (Điều 33). Trong vụ Canada-Term of Patent Protection,[7] Cơ quan phúc thẩm kết luận rằng: thời hạn bảo hộ sáng chế là 17 năm (tính từ ngày cấp văn bằng bảo hộ) cho những đơn đăng ký sáng chế được nộp trước ngày 01 tháng 10 năm 1989 và thường kết thúc trước 20 năm tính từ ngày nộp đơn theo quy định tại Phần 45 Đạo luật Sáng chế Canada không phù hợp với quy định tại Điều 33 Hiệp định TRIPS.  

 

Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (li-xăng bắt buộc) hoặc sử dụng sáng chế do Chính phủ thực hiện mà không được phép của chủ thể nắm giữ quyền được thừa nhận nhưng với những điều kiện nhất định nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ thể nắm giữ quyền (Điều 31). Điều kiện áp dụng bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế được giảm nhẹ nhằm xử lý những thực tế chống cạnh tranh. Các điều kiện áp dụng này phải được xem xét trong mối quan hệ với các quy định liên quan tại Điều 27.1 của Hiệp định TRIPS.

 

(f)   Thiết kế bố trí mạch tích hợp

 

Theo Hiệp định TRIPS, việc bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp dựa trên các quy định của Hiệp ước về sở hữu trí tuệ đối với mạch tích hợp (Điều 35) và một số quy định bổ sung của Hiệp định TRIPS (Điều 36 đến Điều 38). Trong đó, Hiệp ước về sở hữu trí tuệ đối với mạch tích hợp bao gồm định nghĩa “mạch tích hợp” và “thiết kế bố trí”, các điều kiện bảo hộ, các độc quyền, những giới hạn và khai thác, đăng ký, mở thiết kế bố trí mạch tích hợp.[8] Các quy định về thiết kế bố trí mạch tích hợp trong Hiệp định TRIPS bổ sung bốn vấn đề quan trọng đáng kể cho Hiệp ước về sở hữu trí tuệ đối với mạch tích hợp. Đó là: (i) khả năng bảo hộ sản phẩm chứa thiết kế bố trí bất hợp pháp (Điều 36); (ii) xử lý người vi phạm không có lỗi, đó là người thực hiện hành vi nhập khẩu, bán hoặc phân phối dưới hình thức khác nhằm mục đích thương mại mạch tích hợp chứa thiết kế bố trí bị sao chép bất hợp pháp hoặc bất kỳ sản phẩm nào chứa mạch hợp như vậy nếu tại thời điểm tiếp nhận mạch tích hợp hoặc sản phẩm chứa mạch tích hợp đó mà không biết hoặc không có căn cứ hợp lý để biết rằng trong đó chứa thiết kế bố trí bị sao chép bất hợp lý (Điều 37.1); (iii) áp dụng các quy định tại Điều 31 Hiệp định TRIPS đối với chuyển giao không tự nguyện quyền sử dụng thiết kế bố trí hoặc sử dụng thiết kế bố trí do Chính phủ thực hiện mà không được phép của chủ thể nắm giữ quyền, thay cho các quy định về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng thiết kế bố trí (li-xăng bắt buộc) trong Hiệp ước về sở hữu trí tuệ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp (Điều 37.2).

 

(g)  Thông tin bí mật

 

Khác với sáu đối tượng sở hữu trí tuệ đã đề cập ở trên, Hiệp định TRIPS chỉ rõ rằng việc bảo hộ thông tin bí mật nhằm bảo đảm “chống cạnh tranh không lành mạnh một cách hữu hiệu” (Điều 39.1.). Bên cạnh đó, Hiệp định bao gồm định nghĩa “thông tin bí mật” tại Điều 39.2. Theo quy định này, thông tin này phải có tính chất bí mật, có giá trị thương mại vì có tính chất bí mật, được giữ bí mật bằng các biện pháp hợp lý. Hiệp định TRIPS cũng quy định về dữ liệu thử nghiệm và các dữ liệu bí mật khác trong trường hợp phải nộp dữ liệu theo yêu cầu của Chính phủ để được phép tiếp thị dược phẩm hoặc các sản phẩm hóa nông có chứa những thành phần hóa học mới (Điều 39.3). Trong trường hợp như vậy, các Thành viên WTO “phải bảo hộ để các dữ liệu đó không bị sử dụng trong thương mại một cách không lành mạnh …[và] không bị tiết lộ, trừ trường hợp cần bảo vệ công chúng hoặc trừ khi áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm các dữ liệu đó không bị sử dụng trong thương mại một cách không lành mạnh.”

 

2.      Kiểm soát thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ

 

Hiệp định TRIPS bao gồm một số quy định về thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là Điều 8(2), Điều 31(k) và Điều 40.[9] Vấn đề thoả thuận giới hạn trong hợp đồng liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ chỉ được hiểu thông qua quy định tại Điều 8(2) và Điều 40.[10] Theo những quy định này, sự lạm dụng nhất định quyền sở hữu trí tuệ và những thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ có thể hạn chế cạnh tranh, do đó một mặt Hiệp định TRIPS dành quyền cho các nước thành viên WTO điều chỉnh thực tế và mặt khác yêu cầu các nước thành viên WTO tuân thủ những nghĩa vụ nhất định.

 

(a) Những quy định tùy nghi

 

Các quy định tuỳ nghi được quy định tại Điều 8(2) và Điều 40(2) Hiệp định TRIPS cho phép các nước thành viên áp dụng “các biện pháp thích hợp” để ngăn chặn, xử lý những thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Với quy định tại Điều 8(2), các nước thành viên thừa nhận rằng: tồn tại những thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ “có thể cần…để ngăn ngừa” và các nước thành viên được trao quyền giải quyết những thực tế này. Cụm từ “có thể cần” thừa nhận thẩm quyền của các nước thành viên đối với những hoạt động chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Những hoạt động này bao gồm lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ bởi những người nắm quyền, cản trở hoạt động thương mại một cách bất hợp lý, gây ảnh hưởng xấu đến chuyển giao công nghệ quốc tế.

 

Khống chế các hoạt động chống cạnh tranh phát sinh từ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 40. Điều 40 bao gồm bốn đoạn, trong đó đoạn 1 và đoạn 2 là các quy định về nội dung còn đoạn 3 và đoạn 4 về các vấn đề thực thi. Điều 40 là quy định “đặc biệt” trong mối quan hệ với Điều 8(2), Điều 40 giới hạn phạm vi Điều 8(2) và chỉ liên quan đến một số hành vi của chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ được liên kê tại Điều 8(2).[11] Điều 40 thuộc Mục 8 của Hiệp định TRIPS và mục này có tiêu đề “Khống chế hoạt động chống cạnh tranh trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ”. Tuy nhiên, Điều 40(1) đề cập tới thuật ngữ chung “một số hoạt động hoặc điều kiện chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ” bao hàm tất cả các hành vi xoanh quanh xác lập và thực hiện hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ. Do đó, hành vi đơn phương và các điều khoản hợp đồng mang tính giới hạn liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 40(1). Điều 40(1) thừa nhận rằng “một số hoạt động hoặc điều kiện chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ có tính chất hạn chế cạnh tranh có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động thương mại và có thể cản trở việc chuyển giao và phổ biến công nghệ.” Do đó, Điều 40(1) cũng “nước đôi” như Điều 8(2).[12]

 

Trong khi Điều 40(1) không liệt kê những hoạt động hoặc điều kiện chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ chống cạnh tranh, Điều 40(2) liệt kê một số hoạt động này như “điều kiện chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức độc quyền, điều kiện ngăn cấm việc không thừa nhận hiệu lực và việc chuyển giao quyền sử dụng trọn gói”. Tuy nhiên, từ “chẳng hạn” cho thấy đây không phải là danh mục được liệt kê đầy đủ. Điều này cho phép các Thành viên WTO định nghĩa “điều kiện và hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ”. Hơn nữa, Điều 40(2) nhấn mạnh cho phép các Thành viên WTO thiết lập và xác định nội dung pháp luật cạnh tranh nhằm khống chế hoặc ngăn chặn điều kiện và hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ chống cạnh tranh. Bên cạnh đó, Điều 40(2) ghi nhận thẩm quyền của các nước thành viên được “áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, khống chế” những hoạt động đó, đồng thời đòi hỏi các nước thành viên tuân thủ những nghĩa vụ tối thiểu nhất định.

 

Nói tóm lại, Điều 8(2), Điều 40(1) và Điều 40(2) cho phép các Thành viên WTO được tự do trong việc xử lý những hoạt động chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, các nước thành viên có quyền xử lý những hoạt động đó; định nghĩa hoạt động chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và điều kiện hoặc hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ; thiết lập và xác định nội dung của pháp luật cạnh tranh nhằm khống chế hoặc ngăn chặn những hoạt động vừa nêu.

 

(b) Những tiêu chuẩn tối thiểu

 

Bên cạnh những quy định tuỳ nghi về thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, Điều 8(2) và Điều 40(2) Hiệp định TRIPS quy định những tiêu chuẩn tối thiểu cho các biện pháp ngăn chặn hoạt động chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, các nước thành viên có quyền quyết định điều chỉnh hay không điều chỉnh thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ bởi pháp luật cạnh tranh quốc gia. Nếu các nước thành viên điều chỉnh hoạt động này, pháp luật cạnh tranh quốc gia phải “phù hợp với các quy định khác của Hiệp định [TRIPS]” và “thích hợp” để ngăn chặn những hoạt động chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Nói cách khác, những biện pháp này phải đáp ứng hai điều kiện là sự “phù hợp” và “thích hợp”. Hơn nữa, Điều 40(3) và Điều 40(4) yêu cầu các Thành viên WTO có nghĩa vụ thương lượng và hợp tác trong kiểm soát thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Thứ nhất, Điều 8(2) và Điều 40(2) yêu cầu các biện pháp khống chế hoặc ngăn chặn những thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ phải “phù hợp với các quy định khác của Hiệp định [TRIPS]”. Thứ hai, Điều 8(2) và Điều 40(2) Hiệp định TRIPS yêu cầu các biện pháp khống chế hoặc ngăn chặn những thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ phải “thích hợp” và “cần thiết”. Yêu cầu về sự thích hợp được giải thích trong một số văn bản của WTO[13] và được WTO giải thích chi tiết hơn trong một số tranh chấp liên quan đến GATT/GATS. Chẳng hạn, Korea-Measures Affecting Import of Fresh, Chilled and Frozen Beef; European Communities-Measures Affecting Asbestos-containing Products; European Communities-Trade Description of Sardines; Japan-Measures Affecting the Importation of Apples; United States-Measures Affecting the Cross-Border Supply of Gambling and Betting Services; European Communities- Measures Affecting the Approval and Marketing of Biotech Products.[14] Cuối cùng, Điều 40(3) và Điều 40(4) Hiệp định TRIPS thiết lập nghĩa vụ thương lượng và hợp tác trong kiểm soát hoạt động cạnh chống cạnh tranh liên quan đến hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ. Đây là thoả thuận quốc tế đa phương đầu tiên thiết lập nghĩa vụ hợp tác trong thực thi pháp luật chống độc quyền.[15].

 

3.      Thực thi quyền sở hữu trí tuệ

 

(a)  Các nghĩa vụ chung  

 

Theo yêu cầu của Hiệp định TRIPS, pháp luật quốc gia của các Thành viên WTO phải quy định các thủ tục thực thi cho phép hành động một cách có hiệu quả chống lại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được đề cập trong Hiệp định, trong đó bao gồm các chế tài khẩn cấp nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và các chế tài nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm tiếp theo. Các thủ tục thực thi phải được áp dụng theo cách thức nhằm tránh tạo ra những rào cản cho hoạt động thương mại hợp pháp và nhằm quy định những biện pháp chống lạm dụng các thủ tục thực thi (Điều 41.1). Hơn nữa, các thủ tục thực thi phải đúng đắn và công bằng, không phức tạp và tốn kém một cách không cần thiết, không bao gồm những thời hạn bất hợp lý hoặc những trì hoãn không có lý do chính đáng (Điều 41.2). Trong vụ Canada-The term of Patent Protection,[16] Ban hội thẩm chỉ ra rằng:

 

[N]hững trì hoãn mà người nộp đơn phải gánh chịu do sự không sát sao của người nộp đơn, do sắp đặt lại thủ tục, do không thanh toán phí và không phúc đáp thông báo của xét nghiệm viên sáng chế bị coi là không phù hợp với nguyên tắc chung rằng thủ tục thực thi không được phức tạp một cách không cần thiết  như quy định nhấn mạnh tại Điều 41.2.[17]

 

Các quyết định xử lý vụ việc nên được: thể hiện bằng văn bản và nêu rõ lý do; ít nhất phải được trao cho các bên tham gia khiếu kiện mà không được chậm trễ quá mức; phải dựa vào chứng cứ mà các bên đã có cơ hội trình bày (Điều 41.3). Các bên tham gia khiếu kiện phải có cơ hội yêu cầu cơ quan tư pháp xem xét lại các quyết định hành chính cuối cùng và ít nhất là các khía cạnh pháp lý của các quyết định xét xử vụ việc ở cấp sơ thẩm. Quy định này không áp dụng cho những tuyên bố vô tội trong các vụ án hình sự (Điều 41.4).

 

(b)  Các chế tài, thủ tục dân sự và hành chính 

 

Hiệp định TRIPS bao gồm những quy định chi tiết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự và hành chính. Những quy định này tập trung vào các vấn đề sau đây: yêu cầu thủ tục thực thi phải đúng đắn và công bằng (Điều 42);[18] (ii) chứng cứ (Điều 43)[19]; (iii) lệnh của tòa án (Điều 44); (iv) bồi thường thiệt hại (Điều 45); (v) các biện pháp chế tài khác như cơ quan có thẩm quyền ra lệnh tiêu hủy hàng hóa vi phạm hoặc các vật liệu và phương tiện được sử dụng để tạo ra hàng hóa vi phạm (Điều 46); (vi) quyền được thông tin (Điều 47); (vii) bồi thường cho bị đơn (Điều 48); (viii) áp dụng những hướng dẫn nêu trên trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính (Điều 49).

 

(c)  Các biện pháp tạm thời  

 

Các biện pháp tạm thời được áp dụng nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt nhằm ngăn chặn hàng hóa vào các kênh thương mại, trong đó bao gồm hàng hóa nhập khẩu ngay sau khi hoàn thành thủ tục hải quan; và nhằm lưu giữ các chứng cứ liên quan đến hành vi bị khiếu kiện là xâm phạm quyền (Điều 50.1). Các biện pháp tạm thời cũng được áp dụng “khi bất kỳ sự trì hoãn nào cũng có nguy cơ gây hậu quả không khắc phục được cho chủ thể nắm giữ quyền hoặc khi thấy rằng chứng cứ đang có nguy cơ bị tiêu hủy” (Điều 50.2). Cơ quan xét xử và cơ quan hành chính có thẩm quyền áp dụng các biện pháp tạm thời.

 

Nhằm chống lại sự lạm dụng các biện pháp tạm thời, Hiệp định TRIPS quy định cơ quan xét xử có thể yêu cầu nguyên đơn: (i) cung cấp bất kỳ chứng cứ nào có thể có được một cách hợp lý đủ sức thuyết phục rằng nguyên đơn là chủ thể quyền và quyền của nguyên đơn đang bị xâm phạm hoặc rõ ràng có nguy cơ bị xâm phạm (Điều 50.3); (ii) buộc nguyên đơn nộp một khoản bảo đảm hoặc bảo hiểm tương đương đủ để bảo vệ bị đơn và ngăn chặn sự lạm dụng (Điều 50.3). Bên cạnh đó, trong một thời hạn hợp lý, bị đơn có quyền yêu cầu xem xét lại lệnh áp dụng các biện pháp thời để quyết định những biện pháp này có phải sửa đổi, hủy bỏ hay nên giữ nguyên (Điều 50.4).

 

(d)  Những yêu cầu đặc biệt liên quan đến các biện pháp kiểm soát biên giới  

 

Các biện pháp kiểm soát biên giới được quy định nhằm xử lý hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hóa sao chép lậu (Điều 51). Các biện này cho phép cơ quan hải quan ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hóa sao chép lậu được đưa vào lưu thông tự do. Theo quy định tại Điều 60, các Thành viên có thể không áp dụng quy định này trong trường hợp nhập khẩu với số lượng nhỏ và không có mục đích thương mại, chẳng hạn hàng hóa trong hành lý cá nhân của hành khách hoặc hàng hóa nhỏ được ký gửi. Hiệp định TRIPS dành quyền tự quyết cho các Thành viên WTO trong áp dụng các thủ tục tương ứng đối với những hàng hóa xâm phạm được tập kết để xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ của mình (Điều 51).

 

Tương tự như đối với các biện pháp tạm thời, Hiệp định TRIPS đưa ra một số quy định nhằm ngăn chặn lạm dụng các biện pháp kiểm soát biên giới. Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu nguyên đơn nộp khoản bảo đảm hoặc bảo hiểm tương đương đủ để bảo vệ bị đơn và các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời ngăn chặn sự lạm dụng. Người nhập khẩu và nguyên đơn phải được thông báo ngay về việc đình chỉ thông quan đối với hàng hóa (Điều 54). Nếu chủ thể nắm giữ quyền thất bại trong việc đề xướng các thủ tục ra quyết định giải quyết vụ việc trong thời hạn 10 ngày làm việc, thông thường hàng hóa phải được thông quan (Điều 55). Trong trường hợp hàng hóa được cho là vi phạm liên quan đến kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí hoặc thông tin bí mật, hàng hóa được thông quan nếu người nhập khẩu nộp khoản bảo đảm đủ bảo vệ chủ thể nắm giữ quyền đối với bất kỳ xâm phạm nào, thậm chí khi các thủ tục ra quyết định giải quyết vụ việc đã được tiến hành (Điều 53.2).

 

Về chế tài, cơ quan có thẩm quyền được ra lệnh tiêu hủy hàng hóa vi phạm hoặc đưa những hàng hóa này ra khỏi các kênh thương mại theo cách thức không gây tổn hại tới các quyền khiếu kiện của chủ thể nắm giữ quyền (Điều 59).

 

(e)  Các biện pháp hình sự  

 

Hiệp định TRIPS yêu cầu các Thành viên quy định các biện pháp hình sự và hình phạt được áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố ý giả mạo nhãn hiệu hoặc sao chép lậu với quy mô thương mại. Các Thành viên cũng phải quy định các chế tài như phạt tù, phạt tiền, tịch thu, trưng thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm và bất kỳ vật liệu, phương tiện nào được sử dụng chủ yếu để thực hiện hành vi phạm tội (Điều 61).

 

4.      Giải quyết tranh chấp

 

Giải quyết các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ theo Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là một trong những nội dung quan trọng nhất của Hiệp định TRIPS. “Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO là yếu tố chính trong việc cung cấp sự an toàn và tính dự đoán cho hệ thống thương mại đa phương...bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của các Thành viên chứa đựng trong các thỏa thuận, và làm rõ các quy định hiện hành trong những thỏa thuận này phù hợp với các quy tắc tập quán của giải thích luật quốc tế công.”[20] Hoạt động của hệ thống giải quyết tranh chấp liên quan đến Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm, thư ký WTO, các trọng tài viên, các chuyên gia độc lập và một số bộ phận chuyên trách.

 

Hiệp định TRIPS viện dẫn các quy định của Điều XXII và Điều XXIII GATT 1994 -đã được chi tiết hóa trong Hiệp định của WTO về các Nguyên tắc và Thủ tục giải quyết tranh chấp - để áp dụng đối với việc thương lượng và giải quyết tranh chấp theo Hiệp định TRIPS (Điều 64). Kết quả là, các tranh chấp sở hữu trí tuệ quy định trong Hiệp định TRIPS được giải quyết theo Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Sau thời hạn 05 năm kể từ ngày Thỏa thuận Thiết lập WTO có hiệu lực (ngày 01 tháng 01 năm 2000), cơ chế giải quyết tranh chấp này cũng được áp dụng để giải quyết những tranh chấp “phi bạo lực” (Điều 64.2).

 

 


[1] Cần lưu ý rằng, còn một số nội dung khác trong Hiệp định TRIPS, đó là: (i) các thủ tục để đạt được và duy trì quyền sở hữu trí tuệ và các thủ tục liên quan (Phần IV); (ii) các điều khoản chuyển tiếp (Phần VI); (iii) các quy định về cơ chế; điều khoản cuối cùng (Phần VII). Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không coi những nội dung này là nội dung chính của Hiệp định TRIPS và chỉ giới thiệu những nội dung đã nêu.

 

[2] WTO, the Panel Report, US-Section 110(5) of the US Copyright Act, WT/DS160/R, circulated on 15 June 2000.

 

[3] WTO, the Panel Report, US-Section 110(5) of the US Copyright Act, WT/DS160/R, circulated on 15 June 2000, đoạn 6.80.

 

[4] WTO, the Panel Report, US- Section 110(5) of the US Copyright Act, WT/DS160/R, circulated on 15 June 2000, các đoạn 6.94, 6.87-6.89, 6.90.

 

[5] WTO, the Panel Report, US-Section 110(5) of the US Copyright Act, WT/DS160/R, circulated on 15 June 2000, các đoạn 6.112, 6.165, 6.166-6.167, 6.222, 6.223-6.225.

 

[6] WTO, the Panel Report, Canada-Patent Protection of Pharmaceutical Products, WT/DS114/R, circulated on 17 March 2000.

 

[7] WTO, the Report of the Appeallate Body, Canada-The term of Patent Protection, WT/DS170/AB/R, circulated on 18 September 2000.

 

[8] Xem các Điều 2, 3, 6, 7 Hiệp ước về sở hữu trí tuệ đối với mạch tích hợp.

 

[9] Trong một chừng mực nhất định, Điều 6, Điều 31(c), Điều 37(2) Hiệp định TRIPS cũng có thể được coi là những quy định về cạnh tranh.

 

[10] Điều 31(k) chỉ liên quan tới hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ đơn phương chứ không phải hợp đồng.

 

[11] UNCTAD-ICTSD Project on IPRs and Sustainable Development, Resource Book on TRIPS and Development, Cambridge University Press (2005), tr. 554. Bên cạnh quan điểm cho rằng Điều 40 là quy định đặc biệt trong mối quan hệ với Điều 8(2), có quan điểm cho rằng Điều 8(2) là một tuyên bố chung và được thực thi bởi Điều 40. Xem: Daniel Gervais The TRIPS Agreement: Drafting History and Analysis, Sweet and Maxwell (1998), tr. 68, đoạn 2.49.

 

[12] Daniel Gervais, The TRIPS Agreement: Drafting History and Analysis, Sweet and Maxwell (1998), đoạn 191; Heinemann, ‘Antitrust Law of Intellectual Property in the TRIPS Agreement of the World Trade Organization’, in Schricker Beier (ed.), From GATT to TRIPS), Weinheim (1996), tr. 245.

 

[13] Ví dụ, xem: WTO Working Party on Domestic Regulation, “Necessity Test” in the WTO, Note by the Secretariat, S/WPDR/W/27, 2 December 2003, đoạn 4.

 

[14] Ví dụ, xem: WTO, Korea-Measures Affecting Import of Fresh, Chilled and Frozen Beef, WT/DS161/AB//R and WT/DS169/AB/R, circulated on 11 December 2000; WTO, European Communities-Measures Affecting Asbestos-containing Products, WT/DS135/AB/R, circulated on 12 March 2001, các đoạn 168-175; WTO, European Communities- Trade Description of Sardines, WT/DS231/AB/R, circulated on 26 September 2002, các đoạn 285-291; WTO, Japan-Measures Affecting the Importation of Apples, WT/DS245/R, circulated on 15 July 2003, các đoạn 8.180-8.198; and WT/DS245/AB/R, circulated on 26 November 2003, các đoạn 163-165; WTO, United States- Measures Affecting the Cross-Border Supply of Gambling and Betting Services, WT/DS285/AB/R, circulated on 7 April 2005, các đoạn 309-311; WTO, European Communities-Measures Affecting the Approval and Marketing of Biotech Products, WT/DS291/R, WT/DS292/R, and WT/DS293/R, circulated on 29 September 2006, đoạn 7.1423.

 

[15] UNCTAD-ICTSD Project on IPRs and Sustainable Development, Resource Book on TRIPS and Development, Cambridge University Press (2005), tr. 561-562.

 

[16] WTO, the Report of the Appeallate Body, Canada-The term of Patent Protection, WT/DS170/AB/R, circulated on 18 September 2000.

[17] WTO, the Appellate Body Report, Canada-The term of Patent Protection, WT/DS170/AB/R, circulated on 18 September 2000, các đoạn 6.117-6.118.

 

[18] Điều 42 bao gồm một số nguyên tắc nhằm bảo đảm các thủ tục xứng đáng cho “chủ thể quyền”. Trong vụ US-Section 211 Appropriations Act (US-Havana Club), Cơ quan phúc thẩm cho rằng “chủ thể quyền” bao gồm không chỉ chủ sở hữu quyền mà còn những người đã khiếu kiện nhằm có được địa vị pháp lý để xác nhận quyền. Xem: WTO Panel Report, United States-Section 211 Omnibus Appropriations Acts of 1988 (US- Havana Club), WT/DS176/R, circulated on 6 August 2001, đoạn 217.

 

[19] Quy định này đã được giải thích trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp củaWTO, xem: WTO, the Panel Report, India-Patents (EC), WT/DS79/R, circulated on 24 August 1998.

 

[20] Điều 3.2 Hiệp định của WTO về các Nguyên tắc và Thủ tục giải quyết tranh chấp (một số từ được tác giả lược bỏ và thêm vào).

Lượt xem: 38743

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:42752
Lượt truy cập: 39804142