Thứ ba, 05/11/2024 21:17 GMT+7
Thứ hai, 13/10/2014 11:07 GMT+7

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhìn từ góc độ nước đang phát triển

Thời gian gần đây chúng ta thường nhắc đến việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua những vụ việc cụ thể như việc chỉ dẫn địa lý « nước mắm Phú quốc » được bảo hộ tại Liên minh Châu Âu (EU) hay Việt Nam đấu tranh giành lại chỉ dẫn địa lý « Cà phê Buôn Mê Thuột » ở Trung Quốc. Nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra, trong đó vấn đề cơ chế và định hướng bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ đặc thù này một cách hợp lý đang là câu hỏi và thách thức. Việt Nam đang trên đường kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những điều khoản liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có Chỉ dẫn địa lý, vẫn còn nhiều tranh cãi. Dưới đây là phân tích và nhận định của tác giả về cách tiếp cận vấn đề này.

1. “Chỉ dẫn địa lý” và “Tên gọi xuất xứ”

Chỉ dẫn địa lý (geographical indication) là thuật ngữ pháp lý được ghi nhận chính thức tại Hiệp định TRIPS với ý nghĩa là “những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ một khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định [1] ” Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng phản ánh định nghĩa tương đương, coi chỉ dẫn địa lý “dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể [2] ” với các tiêu chí đặc thù về chất lượng, uy tín hoặc đặc tính riêng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý[3] . 

 

Trước Hiệp định TRIPS, tại Thỏa ước Lisbon năm 1958, sửa đổi bổ sung năm 1979, chỉ dẫn địa lý được biết đến dưới thuật ngữ “tên gọi xuất xứ” (applelation of origin) và được định nghĩa là “tên gọi địa lý của quốc gia, khu vực, địa phương  nơi mà hàng hóa được sản xuất và hàng hóa đó mang tính chất, chất lượng đặc thù của môi trường địa lý, bao gồm yếu tố tự nhiên và con người”[4]. 

 

Như vậy, với việc giữ nguyên hiệu lực của Thỏa ước Lisbon như một phần không tách rời của Hiệp định TRIPS, “tên gọi xuất xứ” được coi là một dạng đặc biệt của “chỉ dẫn địa lý”. Trong khi thuật ngữ “tên gọi xuất xứ” chỉ đề cập đến tên gọi địa lý (geographical name) thì thuật ngữ “chỉ dẫn địa lý” có ý nghĩa rộng hơn, có thế là tên gọi địa lý hay các dấu hiệu khác dưới dạng hình ảnh, biểu tượng...

 

2. Chỉ dẫn địa lý và tính cạnh tranh của sản phẩm

Với những điều kiện đặc thù để được công nhận và bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đóng vai trò như sự đảm bảo rằng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có được chất lượng nhất định theo phương pháp sản xuất truyền thống hoặc có được uy tín nhờ xuất xứ địa lý vùng miền. Chính vì lý do này, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với sản phẩm được công nhận và đảm bảo chất lượng, và do vậy thường mang tính cạnh tranh cao hơn các sản phẩm mang chỉ nhãn hiệu thông thường.

 

Trên thế giới, mỗi quốc gia, tùy thuộc vào thế mạnh riêng và lợi ích cụ thể của quốc gia mình mà có thái độ khác nhau đối với việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 

 

Ví dụ như Hoa kỳ, một quốc gia trẻ được biết đến như “vương quốc của đồ ăn nhanh”, và không có nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp mang tính truyền thống thì không thực sự coi trọng việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hoa kỳ cho rằng chỉ dẫn địa lý là một dạng của nhãn hiệu vì có cùng chức năng chỉ dẫn nguồn gốc và đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn với nhà sản xuất như nhãn hiệu. Do đó, theo Hoa Kỳ, không cần thiết phải thiết lập một hệ thống riêng về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua hệ thống nhãn hiệu thông thường là nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể là đủ để đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định TRIPS.

 

Khác với Hoa Kỳ, do có truyền thống sản xuất gắn với uy tín mang tính địa phương đặc thù, bảo hộ chỉ dẫn địa lý có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nước thuộc Liên minh Châu Âu. Các nước châu Âu, điển hình là Pháp coi chỉ dẫn địa lý là đối tượng hết sức quan trọng và bảo hộ thông qua một hệ thống quy định riêng biệt. Cơ chế bảo hộ chặt chẽ, với các quy định về kiểm định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã tạo ra rào cản về mặt kỹ thuật, khiến cho sản phẩm nông nghiệp của các nước thành viên rất khó đạt được sự bảo hộ về chỉ dẫn địa lý tại thị trường Châu Âu, qua đó giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm đến từ các nước thành viên khác.

 

Vấn đề trên cũng chính là nguyên nhân của nhiều mâu thuẫn giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu về thương mại hàng hóa liên quan đến sở hữu trí tuệ, mà trong đó vụ Hoa Kỳ kiện Liên minh Châu Âu (EU) về “Bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý”[5] là một điển hình.

 

Trong vụ việc được đề cập (DS174), Hoa kỳ cho rằng: Quy chế số 2081/92 của EU đã không thể hiện đầy đủ chính sách đãi ngộ quốc gia đối với chỉ dẫn địa lý, cụ thể là:

Theo quy chế số 2081/92, để được đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Liên minh Châu Âu, một nước không phải là thành viên EU phải áp dụng hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý tương tự như EU (được biết đến như nguyên tắc tương đương) và phải bảo hộ cho các chỉ dẫn địa lý của EU (được biết đến như nguyên tắc có đi có lại). Thêm nữa, Quy chế số 2081/92 cũng yêu cầu chính phủ các nước thành viên WTO khác phải kiểm duyệt việc đăng ký và hủy bỏ đăng ký chỉ dẫn địa lý; đồng thời yêu cầu chính phủ các nước này phải vận hành hệ thống kiểm duyệt hàng hóa giống như các nước thành viên EU. 

 

Hoa Kỳ cho rằng các quy định nêu trên không đảm bảo cho các nước không thuộc EU được tiếp cận với hệ thống của EU đối với các chỉ dẫn địa lý như các nước thành viên EU. Do vậy, Hoa Kỳ cho rằng Quy chế số 2081/92 của EU đã không thể hiện đầy đủ chính sách đãi ngộ quốc gia đối với chỉ dẫn địa lý, vi phạm quy định tại Điều 3 Hiệp định TRIPS.

 

Để giải quyết vụ việc, Hoa kỳ và EC đã tiến hành tham vấn nhưng không đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Ngày 18/8/2003, Hoa kỳ yêu cầu Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) thành lập Ban hội thẩm để giải quyết vụ việc.

 

Sau khi xem xét vụ việc và lập luận của các bên đối với vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Ban hội thẩm đồng ý với Hoa Kỳ rằng Quy định về “nguyên tắc tương đương” và “có đi có lại” trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý như thể hiện tại Quy chế  số 2081/92 của EU là không đảm bảo nguyên tắc đối xử quốc gia theo quy định tại Điều 3 Hiệp định TRIPS. Theo Báo cáo của Ban Hội thẩm đã được DSB thông qua, EU được khuyến nghị sửa đổi các điều khoản liên quan tại Quy chế số 2081/92 và EU đã thực thi khuyến nghị này. 

 

Trong vụ việc DS174, Hoa Kỳ đã thành công trong việc làm cho EC phải thay đổi quy định, bỏ yêu cầu bảo hộ “tương đương” và “có đi có lại” trong việc công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý của các nước thành viên. Tuy nhiên, yêu cầu cao của cơ chế kiểm định sản phẩm đạt tiêu chuẩn bảo hộ chỉ dẫn địa lý vẫn thực sự là rào cản để các nước thành viên, đặc biệt là nước đang phát triển như Việt Nam tiếp cận việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Châu Âu. 

 

3. Định hướng nào cho Việt Nam?

Gia nhập WTO, Việt Nam buộc phải cam kết thực hiện Hiệp định TRIPS như là điều kiện bắt buộc, và kéo theo đó là toàn bộ hệ thống thực thi của Việt Nam (cả tư pháp và hành chính) đều phải căng hết sức để thực hiện các cam kết về thực thi. Trong khi đó, phần do sự thiếu kinh nghiệm của hệ thống tư pháp, phần do thói quen ngại “kiện tụng” của người dân, gánh nặng thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang đổ dồn về hệ thống các cơ quan hành chính, gây áp lực cho hoạt động của các cơ quan này và gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

 

Hiện tại Việt Nam đang tiếp tục đàm phán nhiều hiệp định quan trọng, có nội dung cơ bản là các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định tư do thương mại Việt Nam - EU. Khác với khi gia nhập WTO, Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ gói các Hiệp định đa biên, trong đó có các cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ tại Hiệp định TRIPS, trong các Hiệp định đang đàm phán, Việt Nam có cơ hội để đưa ra các đề xuất của mình liên quan đến nội dung các Hiệp định. Do đó, điều hết sức quan trọng là khi đàm phán các Hiệp định liên quan đến bảo hộ quyền SHTT, Việt Nam cần cân nhắc này là đảm bảo các cam kết quốc tế phù hợp, “vừa sức” với Việt Nam và hạn chế tối đa các “trục trặc” khi triển khai thực hiện.

 

Theo thông tin được công bố, đàm phán Hiệp định TPP đang đi vào giai đoạn quyết định. Đây là Hiệp định có ý nghĩa quan trọng đặc biệt sau sự kiện Việt Nam tham gia Hiệp định WTO, có thể mở ra cơ hội phát triển mới cho kinh tế đất nước. Tuy nhiên, các nội dung đàm phán bảo hộ sở hữu trí tuệ đang hết sức gay gắt, có khả năng tạo sức ép lớn đối với Việt Nam do các đề xuất gia tăng hàm lượng bảo hộ (còn gọi là TRIPS+) từ phía Hoa Kỳ. Cụ thể là, để đạt được TPP, các nước đối tác, trong đó có Việt Nam cần thức hiện thêm nhiều cam kết như: Mở rộng đối tượng bảo hộ sáng chế bao gồm cả phương pháp chữa bệnh, các cách thức sử dụng mới cũng như các tính năng mới của chất đã biết; Bảo hộ độc quyền dữ liệu, cho phép các chủ sở hữu sáng chế được giữ bí mật các dữ liệu thử nghiệm đã được sử dụng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của một loại thuốc mà không phải chia sẻ cho các nhà sản xuất thuốc generic…

 

Trong khi gia tăng sức ép ở các đối tượng sở hữu trí tuệ khác thì đối với chỉ dẫn địa lý, Hoa Kỳ đề xuất trong TPP là “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nhãn hiệu”, có nghĩa là thực hiện bảo hộ theo hướng đơn giản hóa.

 

Về đề xuất “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nhãn hiệu”, Việt Nam cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Là nước đang phát triển, đạt được TPP với những điều kiện thuận lợi về thuế quan và tiếp cận thị thị trường các nước các nước phát triển như Mỹ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nếu chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý tương tự hoặc dưới hình thức nhãn hiệu sẽ là một nhượng bộ đối với lợi ích quốc gia. Việt Nam là nước nông nghiệp, có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù theo vùng, miền có thể được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, mang lại ưu thế cạnh tranh. Với việc đơn giản hóa thủ tục bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ các chỉ dẫn địa lý chưa đăng ký có thể dễ dàng bị các tổ chức/cá nhân chiếm hữu theo nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”. Chỉ dẫn địa lý với các điều kiện bảo hộ đặc thù đã, đang và cần được coi là tài sản chung, thuộc sở hữu cộng đồng dân cư khu vực tương ứng mà nhà nước làm đại diện.

 

Hiện tại Việt Nam mới chỉ có 35 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý nước ngoài và 32 chỉ dẫn địa lý nội địa [6]. Việt Nam có duy nhất 1 chỉ dẫn địa lý là “Nước mắm Phú Quốc” được bảo hộ tại EU năm 2013. Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam về bảo hộ chỉ dẫn địa lý là tương đối đầy đủ, tuy nhiên Việt Nam lại không có quy định về cơ chế kiểm tra chất lượng các sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Do vậy, các chỉ dẫn địa lý nội địa thường không được xác định chất lượng ổn định, kém sức cạnh tranh.

 

Biện pháp được coi là hữu hiệu để phát triển và nâng cao chất lượng chỉ dẫn địa lý Việt Nam là xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Kinh nghiệm của EU về hệ thống này là rất đáng nghiên cứu và học tập. Chỉ có như vậy, các chỉ dẫn địa lý nội địa của Việt Nam mới có thể vượt qua “rào cản kỹ thuật” vào các nước phát triển như EU và “vươn tầm” quốc tế./.

 


1  Điều 22.1: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Hiệp định TRIPS.

2 Điều 4.22: Giải thích thuật ngữ, Luật Sở hữu trí tuệ.

3 Các quy định về Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ Điều 79 đến Điều 83 Luật Sở hữu trí tuệ.

4 Điều 2 Thỏa ước Lisbon về đăng ký quốc tế và bảo hộ tên gọi xuất xứ năm 1958, sửa đổi bổ sung năm 1979.

5 DS 174: EC - Trademarks and Geographical Indications. Tài liệu vụ việc công bố tại: https://docs.wto.org

6 Số liệu công bố tại tại http://www.noip.gov.vn.

 

Lượt xem: 22853

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:40406
Lượt truy cập: 45733992