Thứ hai, 06/01/2025 13:42 GMT+7
Thứ hai, 26/09/2016 15:33 GMT+7

Nâng cao hiệu quả bảo hộ đối với nhãn hiệu nổi tiếng

Ngày 23/9/2016 tại Đà Nẵng, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hiệp hội Nhãn hiệu hàng hóa quốc tế (INTA) tổ chức Hội thảo “Nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam - Đánh giá nhu cầu thực tiễn và xác định điều kiện bảo hộ”.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Chánh Thanh tra Bộ Trần Minh Dũng; ông Ronald Van Tuijl, Chủ tịch INTA năm 2016; cùng hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đại diện các Sở KH&CN, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo

Đây là một trong những hoạt động của Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” trong khuôn khổ Bản ghi nhớ được ký kết ngày 24-3-2015 của Bộ KH&CN và INTA về xây dựng, triển khai các hoạt động phối hợp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Tại hội thảo, nhiều nhãn hiệu quen thuộc như Vinamilk, Vinacafe, Petrolimex,… đã chia sẻ về hành trình xây dựng cũng như bảo vệ nhãn hiệu của mình. Đồng thời chia sẻ giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về “công nhận nhãn hiệu nổi tiếng” mà nhiều doanh nghiệp đang trăn trở. 

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào những nội dung chính như: Thực trạng bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng (NHNT) tại Việt Nam; Công nhận NHNT – Nhu cầu khẳng định uy tín, chất lượng của các thương hiệu Việt; Công nhận NHNT – Nhu cầu đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp nước ngoài; Góc nhìn chuyên gia – phân tích, đánh giá vướng mắc trong quy định bảo hộ NHNT tại Việt Nam; Kinh nghiệm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu,… và gợi mở đối với Việt Nam; Pháp luật bảo hộ NHNT – những vấn đề cấp thiết cần hoàn thiện; Giải pháp phân định chức năng, thẩm quyền công nhận NHNT;…

Đại biểu tham gia phiên thảo luận buổi sáng Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam – Góc nhìn toàn cảnh

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành hơn 10 năm, trong đó quy định tiêu chí, thẩm quyền về công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng những quy định này để công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng thực sự vẫn là thách thức đối với cơ quan chức năng. Đến nay, chưa có bất cứ nhãn hiệu nào được chính thức công nhận đưa vào danh mục các nhãn hiệu nổi tiếng. Hệ quả là, các chủ sở hữu nhãn hiệu có chất lượng, uy tín, được đông đảo công chúng biết đến vẫn chưa được hưởng những quyền lợi chính đáng pháp luật quy định cho chủ các NHNT để bảo vệ các nhãn hiệu của mình, chống lại các hành vi xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ KH&CN phối hợp với INTA thực hiện Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” nhằm nghiên cứu, đánh giá, thu thập và tổng hợp thông tin, ý kiến từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan, chủ sở hữu nhãn hiệu, các doanh nghiệp và đại diện sở hữu công nghiệp về những vướng mắc trong việc thi hành các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan tới việc công nhận, bảo hộ và thực thi quyền đối với NHNT; hình thành hệ thống căn cứ lý luận và thực tiễn cho những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về NHNT, góp phần tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn và nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền đối với NHNT tại Việt Nam.

Dự án đang được triển khai với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN (Thanh tra Bộ KH&CN, Cục SHTT), một số cơ quan bảo hộ và thực thi quyền SHTT (Cục cảnh sát kinh tế, Bộ Công an; Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương; Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục hải quan), một số thành viên INTA (nhóm “Task force”), các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (như Tập đoàn BMW, Nike Việt Nam, Inter Ikea, Công ty CP sữa Vinamilk, Vinacafe, Công ty CP Tập đoàn Minh Phú), các đại diện sở hữu công nghiệp, văn phòng, công ty luật.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, tài sản trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng đóng vai trò quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia. Do đó, cần có cơ chế bảo hộ thực thi hiệu quả để đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng của chủ sở hữu nhãn hiệu và các chủ thể liên quan. Theo Thứ trưởng, với các doanh nghiệp, việc công nhận và bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi là nhu cầu cấp thiết. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhu cầu xây dựng nhãn hiệu nổi tiếng gắn với việc khẳng định uy tín, chất lượng của các thương hiệu Việt. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài, nhu cầu này còn gắn với mong muốn đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, Việt Nam đã nỗ lực trong xây dựng cơ sở pháp lý cho bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, còn tồn tại một số hạn chế pháp lý và vướng mắc thực tiễn. Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” do Thanh tra Bộ KH&CN phối hợp với INTA thực hiện nhằm góp phần giải quyết những vướng mắc liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.

Đại biểu tham gia phiên thảo luận buổi chiều Điều kiện và cơ chế công nhận nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam

Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để tham khảo, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về nhãn hiệu nổi tiếng, góp phần tháo gỡ  những vướng mắc và nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Lượt xem: 12564

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:20231
Lượt truy cập: 47650725