Chủ nhật, 19/05/2024 15:29 GMT+7
Điều 5.X.3.7: Kiểm tra xác định tình trạng pháp lý về quyền tác giả và xử lý đối với hàng hoá bị tạm dừng

(khoản 4  Mục III, Thông tư liên tịch số 58/2003/TTLT-BVHTT-BTC ngày 17/10/2003)

 

Việc xác minh tình trạng pháp lý về quyền tác giả đối với hàng hoá tạm dừng là việc kiểm tra thực tế hàng hoá, hồ sơ, các chứng cứ đi kèm và xác định xem lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu có vi phạm quyền tác giả hay không.

1. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc kiểm tra, xác định tình trạng pháp lý về quyền tác giả đối với hàng hoá tạm dừng:

a) Quyền và trách nhiệm của người yêu cầu tạm dừng:

i) Yêu cầu cơ quan hải quan cho lấy mẫu từ lô hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tạm dừng để xác định lô hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có vi phạm quyền tác giả hay không.

ii) Trình bày và cung cấp trung thực các thông tin, bằng chứng cho cơ quan hải quan đủ để chứng minh lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã vi phạm quyền tác giả của mình.

iii) Xuất trình bằng chứng hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền (nếu có) để chứng minh lô hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu vi phạm quyền tác giả trước cơ quan hải quan.

b) Quyền và trách nhiệm của chủ hàng;

i) Yêu cầu cơ quan Hải quan cho lấy mẫu từ lô hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tạm dừng để chứng minh lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu không vi phạm quyền tác giả.

ii) Trình bày và cung cấp trung thực các thông tin, bằng chứng trước cơ quan hải quan để chứng minh lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu không vi phạm quyền tác giả.

iii) Xuất trình bằng chứng hay kết luận của cơ quan có thẩm quyền để chứng minh lô hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không vi phạm quyền tác giả trước cơ quan hải quan.

c) Quyền và trách nhiệm của cơ quan hải quan;

i) Căn cứ thực tế hàng hoá, bằng chứng, thông tin có được để xác định lô hàng có vi phạm quyền tác giả hay không.

ii) Trường hợp không khẳng định được lô hàng có vi phạm quyền tác giả hay không thì yêu cầu người yêu cầu tạm dừng chứng minh.

iii) Trường hợp có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về tình trạng pháp lý về quyền tác giả của lô hàng thì cơ quan hải quan xử lý căn cứ vào kết luận đó.

d) Quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước về văn hoá - thông tin:

Khi được cơ quan hải quan trưng cầu ý kiền. Cục Bản quyền tác giả Văn học - Nghệ thuật, Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố, Cơ quan Thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin có trách nhiệm:

i) Tham gia xem xét, nghiên cứu hồ sơ, mẫu hàng hoá;

ii) Nếu cần thiết thì thành lập tổ giám định. Thành viên tổ giám định sẽ được tham khảo ý kiến của người yêu cầu và chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

iii) Đưa ra kết luận và kiến nghị biệp pháp xử lý lô hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Căn cứ xác định tình trạng pháp lý về quyền tác giả của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tạm dừng:

a) Căn cứ xác định hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tạm dừng vi phạm quyền tác giả:

i) Ý kiến kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ ra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tạm dừng vi phạm quyền tác giả (nếu có); hoặc

ii) Bằng chứng do các bên cung cấp cho phép cơ quan hải quan xác định hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tạm dừng vi phạm quyền tác giả.

b) Căn cứ xác định hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tạm dừng không vi phạm quyền tác giả:

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tạm dừng được xem là không vi phạm quyền tác giả trong các trường hợp sau đây;

i) Người yêu cầu đơn phương rút Đơn yêu cầu bảo hộ hoặc đề nghị chấm dứt quyết định tạm dừng (nếu có); hoặc

ii) Ý kiến kết luận của cơ quan có thẩm quyền chỉ ra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tạm dừng  không  vi phạm quyền tác giả (nếu có); hoặc

iii) Kết thúc thời hạn theo quyết định tạm dừng mà người yêu cầu không đưa ra được bằng chứng minh bạch trước cơ quan hải quan hoặc không đưa ra kết luận hay quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu tạm dừng vi phạm quyền tác giả.

Khách online:29174
Lượt truy cập: 40587123