Chủ nhật, 12/01/2025 00:47 GMT+7

Biểu hiện lâm sàng bệnh do SARS-CoV-2 ngày càng đa dạng

Thứ hai, 01/06/2020 15:12 GMT+7

SARS-CoV-2 lại khiến giới chuyên gia thay đổi cách nhìn nhận

Gây tổn thương thần kinh 
 
Các bác sĩ (BS) ở ba bệnh viện (BV) TP.Pavia phía bắc Italy từ ngày 28.2 - 21.3 đã phát hiện 5 bệnh nhân SARS-CoV-2 nặng xuất hiện hội chứng (HC) Guillain-Barre, với triệu chứng ban đầu là yếu ở chân, đến ngứa ran và yếu cơ mặt. Sau khoảng 2 ngày, các triệu chứng thần kinh (TK) nghiêm trọng hơn với bốn chi suy yếu hoặc liệt. Cả 5 bệnh nhân được điều trị bằng globulin miễn dịch để tăng cường sức chống đỡ với SARS-CoV-2 và một trong số họ được điều trị bổ sung bằng huyết tương giàu kháng thể của người khỏi bệnh SARS-CoV-2. Sau một tháng điều trị, hai người vẫn phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt, thở máy; hai người phải dùng liệu pháp vật lý vì liệt và vận động chi trên hạn chế; một người được xuất viện. Ở những bệnh nhân này, các BS nhận thấy các triệu chứng của HC Guillain-Barre phát sinh trong khoảng 5 - 10 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng phổ biến đầu tiên (thường là sốt hoặc ho) do SARS-CoV-2. Guillain-Barre là HC do hai BS CH Pháp là Georges Guillain và Jean Alexandre Barré mô tả năm 1916. Kinh điển, thấy HC xuất hiện khi nhiễm virus Epstein-Barr (EBV hay Herpesvirus 4 - HHV-4), họ  Herpesviridae, bản chất di truyền ADN chuỗi xoắn kép, gây bệnh mụn rộp nước ở môi hay bộ phận sinh dục người, một trong những loại virus phổ biến nhất ở người; Cytomegalovirus (HHV-5), họ Herperviridae, bản chất di truyền ADN xoắn kép, gây bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (sốt cao, sưng hạch, đau họng) và viêm phổi ở người; sau này thấy có thể xuất hiện trong nhiều nhiễm trùng khác chẳng hạn như nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc viêm dạ dày, ruột do virus (khác). Gần đây nhất là virus Zika (tên khu rừng Zika, gần hồ Victoria, Uganda, nơi đầu tiên phân lập virus năm 1947), họ Flaviviridae, bản chất di truyền ARN, lây truyền do muỗi Aedes mang virus đốt người. 
 
HC khởi phát là yếu cơ bàn chân, cẳng chân lan lên thân và cánh tay; hoặc biểu hiện yếu cơ từ cánh tay hay vùng mặt và liệt dần; dị cảm đầu các ngón chân, tay; nhanh chóng lan ra toàn thân, làm tê liệt toàn bộ cơ thể, vì thế còn gọi là chứng liệt Landry (liệt lan lên). Triệu chứng cụ thể: Cảm giác đau nhói, kiến bò, kim châm ở các ngón tay, ngón chân, mắt cá chân hoặc cổ tay; ban đêm đau có thể tăng lên. Đi không vững, không thể leo cầu thang, thậm chí không thể đi lại. Khó cử động mắt hoặc cơ mặt; khó nói, nhai hoặc nuốt. Có thể rối loạn co bóp bàng quang, đại tràng. Nhịp tim nhanh; huyết áp thấp, có khi lại cao; khó thở. Các triệu chứng tiến triển đến nặng nhất trong khoảng hai tới bốn tuần từ khi xuất hiện. Hội chứng có hai thể (dạng bệnh) là viêm đa dây TK, biểu hiện yếu cơ từ chi dưới lan lên - thường thấy nhất và ít hơn là thể liệt bắt đầu từ các cơ quanh mắt. Đôi khi, ngoài các triệu chứng trên có thêm rối loạn TK thực vật (TK tự chủ). Hệ TK thực vật chi phối cơ trơn (dạ dày, ruột...) và các tuyến (mồ hôi, chất nhày...), nghĩa là chi phối chức năng nhiều cơ quan nội tạng; điều chỉnh các chức năng sống: Nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp, phản xạ đồng tử mắt, tiểu tiện và kích thích tình dục; kiểm soát hoạt động vô thức; là cơ chế kiểm soát phản ứng (chống lại hay chạy) chính. TK thực vật là một phần của TK ngoại biên, nếu là dây ngoại biên hỗn hợp thường gồm những sợi phụ trách vận động, cảm giác và thực vật. HC Guillain-Barre có thể gây tử vong, nhất là khi liệt cơ hệ hô hấp hay rối loạn TK thực vật nghiêm trọng. Nguyên nhân của bệnh được cho là do hệ thống miễn dịch cơ thể tấn công các dây TK ngoại biên (các dây TK có nguồn gốc từ tủy sống), làm hủy hoại lớp Myelin và những tế bào (có tên Schwann) sản sinh ra nó. Myelin có thành phần chính là Cholesterol và protein, bao bọc các dây TK (gồm nhiều sợi TK), tạo thành lớp cách điện, bảo vệ và dinh dưỡng các sợi TK, đảm bảo dẫn truyền TK nhanh chóng, nguyên vẹn. 
BS Sami Saba, chuyên gia TK, BV Lenox Hill, TP.New York, Mỹ nhận định: “Nhiều bệnh nhiễm trùng là nguyên nhân đưa đến HC Guillain-Barre, vì vậy SARS-CoV-2 cũng có thể gây ra HC này”. Ông còn nhấn mạnh: Nhiều bệnh nhân SARS-CoV-2 phải thở máy, nên xác định tay, chân của họ liệt không dễ. Những ca liệt nhẹ hoặc mất cảm giác, sẽ không hỏi bệnh nhân được, nếu họ không tỉnh táo, chỉ dựa vào khám phản xạ (khi liệt phản xạ gân xương tăng). Tuy nhiên, nếu người bệnh liệt các cơ hô hấp, thở máy sẽ khó khăn và là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán HC.
 
Gây viêm cơ tim và mạch vành
 
BS David Gaze - giảng viên Hóa sinh lâm sàng, ĐH Westminster, Anh - thông tin, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy SARS-CoV-2 gây viêm cơ tim, cả với người có sẵn bệnh tim và người có tim khỏe mạnh. Cơ tim viêm sẽ thay đổi tính dẫn điện, dẫn đến rối loạn nhịp tim - nguyên nhân của đột tử, chưa kể ảnh hưởng xấu đến bơm máu, não và các cơ quan nhận được ít oxy. Các nhà nghiên cứu thấy, một số bệnh nhân SARS-CoV-2 xuất hiện viêm cơ tim rất đột ngột và rất nghiêm trọng. Họ nhận định sự phát triển của quá trình này là phản ứng của cơ thể với mầm bệnh, khi các tế bào miễn dịch sinh ra nồng độ cao quá mức các chất cytokin gây viêm. Tổn thương cơ tim thể hiện bằng nồng độ Troponin tăng cao trong máu, bởi chất này là một protein phức hợp có trong các sợi cơ tim, tham gia quá trình điều hòa co cơ, cơ tim viêm sẽ giải phóng chất này vào máu. Có điều, xâm nhập mô tim người có bệnh tim thì dễ hiểu, vì cơ tim những người này có nhiều thụ thể ACE2 - “phương tiện” để SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào, nhưng người tim khỏe mạnh, lượng ACE2 rất thấp, nhưng SARS-CoV-2 vẫn xâm nhập tế bào tim được là điều chưa được làm rõ.
 
Thống đốc bang New York, Mỹ - Andrew Cuomo ngày 8.5 thông báo ba trẻ em, trong đó có một trẻ 5 tuổi, dương tính với SARS-CoV-2 đã tử vong với biểu hiện lâm sàng giống bệnh Kawasaki như sốt, phát ban, sưng các hạch và nghiêm trọng nhất là viêm động mạch vành tim cùng với sốc nhiễm độc (độc tố của mầm bệnh). Anh và Pháp cũng có bệnh nhi SARS-CoV-2 tử vong biểu hiện giống Kawasaki. BS Mark Gorelik - chuyên gia miễn dịch ở Trung tâm Y tế ĐH Columbia, Mỹ - được mời tới hội chẩn để xem những trẻ này có phải mắc bệnh Kawasaki hay không? Bệnh Kawasaki có triệu chứng sốt cao liên tục, viêm đỏ kết mạc mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ nổi gai, đầu ngón tay phù nề, đỏ tím, bong da, sưng hạch, kèm phát ban toàn thân ở trẻ nhỏ; bên trong là tình trạng viêm lan tỏa các mạch máu nhỏ và trung bình toàn cơ thể, trong đó có động mạch vành tim, do BS Nhi khoa Kawasaki, Nhật Bản, mô tả năm 1967. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và nhiều nhất ở tuổi bú mẹ, trẻ trai mắc nhiều hơn trẻ gái. Các tổn thương viêm cơ tim, phình động mạch vành thường gây đột tử, nhồi máu cơ tim ở trẻ và sau này gây hẹp, tắc, suy mạch vành mạn tính hoặc hình thành túi phình mạch vành. Các túi phình mạch này rất nguy hiểm vì gây rối loạn cấp máu cho cơ tim và hình thành cục máu đông gây tắc mạch vành. Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 3.000 ca bệnh, ở Nhật Bản là 4.500 ca và Việt Nam đã phát hiện nhiều ca bệnh. Vì 3 bệnh nhi này, giới chức y tế New York phải lật lại hồ sơ 73 ca trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 trước đây và hoài nghi nhận định từ đầu dịch cho rằng, trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 ít tiến triển trầm trọng hay tử vong. BV Nhi ở Washington D.C, Mỹ cũng tiếp nhận một số bệnh nhi biểu hiện tương tự bệnh Kawasaki. Ngày 26.4, Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh đưa ra cảnh báo đầu tiên về tình trạng gia tăng bệnh nhi SARS-CoV-2 với các triệu chứng giống bệnh Kawasaki và sốc nhiễm độc; cho đến nay, đã có 19 trẻ ở Anh có biểu hiện như vậy. Ngày 29.4, Bộ trưởng y tế Pháp Olivier Veran thông báo, 15 bệnh nhi SARS-CoV-2 sốt cao, rối loạn tiêu hóa và viêm động mạch vành tim, nguy cơ thiếu máu cơ tim cục bộ, nhưng may mắn không có tử vong. Các BS miền bắc Italia - khu vực dịch hoành hành mạnh nhất, cũng phát hiện nhiều bệnh nhi SARS-CoV-2 dưới 9 tuổi có biểu hiện bệnh tương tự Kawasaki. Hiện các nước Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Thụy Sĩ có bệnh nhi biểu hiện triệu chứng giống bệnh Kawasaki; riêng New York, Mỹ có khoảng 100 ca.
 
SARS-CoV-2 gây tổn thương nội mạc mạch máu và HC đông máu nội mạch rải rác được các BS Thụy Sĩ và Nga công bố từ tháng 4 (chúng tôi đã thông tin trong một bài viết trước), nhưng những nghiên cứu này tuyệt nhiên không nói đến viêm nhiễm động mạch vành tim và viêm cơ tim. Những biểu hiện tình trạng bệnh lý nặng này xuất hiện ở trẻ nhỏ đã làm thay đổi cách nhìn nhận về bệnh do SARS-CoV-2 ở trẻ em.
 
Nguồn: Báo Lao Động cuối tuần

Lượt xem: 1056

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:52550
Lượt truy cập: 14067848