Thứ ba, 24/12/2024 00:32 GMT+7

Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ bám sát yêu cầu của các mục tiêu phát triển KT-XH

Thứ tư, 20/05/2020 13:04 GMT+7

Các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ luôn nỗ lực bám sát các yêu cầu của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thu hút được sự tham gia của không những các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN mà còn của các doanh nghiệp và người dân.

Nhân Ngày KH&CN năm 2020, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã có bài phát biểu chào mừng.
 
Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội
 
Ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, bàn về mối quan hệ giữa khoa học và sản xuất, Hồ Chủ tịch đã nói “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng xuất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Lời chỉ dạy này đã trở thành phương châm, là kim chỉ nam cho hoạt động của ngành KH&CN suốt những năm qua. Ngày 18/5 hằng năm cũng đã trở thành Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam. Năm nay, Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam được tổ chức không chỉ để vinh danh các thành tựu KH&CN nổi bật, mà còn là hành động thiết thực để chào mừng 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
 
Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, toàn ngành KH&CN càng quyết tâm thực hiện lời dạy của Người. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ luôn nỗ lực bám sát các yêu cầu của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thu hút được sự tham gia của không những các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN mà còn của các doanh nghiệp và người dân. 
 
Trong đợt toàn dân phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, trực tiếp của TTgCP, PTTgCP, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 Vũ Đức Đam, ngay từ những ngày đầu bùng phát của dịch, ngành KH&CN đã tích cực huy động các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN khẩn trương triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phòng chống dịch bệnh theo phương châm “chống dịch như chống giặc”.
 
 
Quang cảnh buổi Lễ.
 
Chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng được ghi nhận trong việc sản xuất thành công bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2 được công nhận về chất lượng để sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Các tổ chức KH&CN của Việt Nam cũng đã nuôi cấy và phân lập thành công vi rút SARS-CoV-2, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sâu hơn về virus, đồng thời cung cấp vật liệu và hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu chế tạo bộ KIT, kháng thể đơn dòng và vắc xin. Chúng ta cũng đã sản xuất và đưa vào thử nghiệm thành công nhiều loại robot phục vụ chăm sóc y tế cho người nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trên nền tảng Hệ tri thức Việt số hóa đã được xây dựng và hình thành trước đó, với sự tham gia rất trách nhiệm và hiệu quả của các đơn vị chức năng của các bộ như: Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông,… nhiều ứng dụng đã được triển khai hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh như bản đồ vùng dịch, phần mềm khai báo y tế,… 
 
Các kết quả khả quan từ việc nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian ngắn như vừa qua cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm. Một mặt, với sự quan tâm đầu tư của nhà nước và xã hội, các tổ chức KH&CN và các nhà khoa học của Việt Nam đã từng bước đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn của đất nước. Chúng ta cũng nhận thấy rằng, các nghiên cứu cơ bản trong thời gian dài trước đây cũng đã góp phần quan trọng vào tăng cường năng lực cho các tổ chức KH&CN và các nhà khoa học của Việt Nam. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phòng, chống dịch cũng cho chúng ta nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu chung giữa viện, trường và các doanh nghiệp để giải quyết nhu cầu cụ thể, cấp thiết của xã hội. 
 
Hoàn thiện pháp luật về KH,CN&ĐMST 
 
Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam và toàn thế giới sau dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho ngành KH&CN của Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện pháp luật về KH,CN&ĐMST, trong đó tập trung vào việc đồng bộ với pháp luật về kinh tế, đầu tư, tài chính nhằm đẩy mạnh việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ xã hội cho KH&CN và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nhằm tạo động lực cho việc ứng dụng các thành tựu, kết quả của nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình nghiên cứu cơ bản lớn của quốc gia như Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến 2020; Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020, Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025; … 
 
Nhân Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam, thay mặt cho toàn thể ngành KH&CN, tôi xin được bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ các nhà khoa học. Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng hành của tất cả chúng ta, ngành KH&CN sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. 

 

Lượt xem: 2182

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:50536
Lượt truy cập: 13978328