Thứ bảy, 11/01/2025 02:51 GMT+7

7 quy định mới về giải quyết tranh chấp lao động từ 2021

Thứ ba, 20/10/2020 11:15 GMT+7

Bộ Luật Lao động năm 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, trong đó có quy định về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động và người sử dụng lao động với nhiều thay đổi.

Dưới đây là những phân tích về những điểm mới trong việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) sẽ được áp dụng từ 1-1-2021.
 
1. Làm rõ khái niệm về tranh chấp lao động
 
Theo quy định tại khoản 1, Điều 179 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) 2019: Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện NLĐ với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
 
Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định người lao động và người sử dụng lao động trong tranh chấp lao động không còn bắt buộc phải trực tiếp thương lượng để giải quyết
 
Trong khi đó, khoản 7, Điều 3 BLLĐ năm 2012 chỉ giải thích ngắn gọn rằng: Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động.
 
Đối chiếu với nhau, có thể thấy khái niệm về tranh chấp lao động theo quy định mới đã được định nghĩa một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Điều này góp phần giúp việc xác định tranh chấp nào là tranh chấp lao động trở nên dễ dàng hơn.
 
2. Thay đổi trong nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
 
Nếu như BLLĐ năm 2012 quy định việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.
 
Đến BLLĐ năm 2019, nguyên tắc này đã bị bãi bỏ. Do đó, hai bên trong tranh chấp lao động không còn bắt buộc phải trực tiếp thương lượng để giải quyết.
 
Ngoài ra, khi giải quyết tranh chấp cá nhân giữa NLĐ và NSDLĐ cũng cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
 
- Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động;
 
- Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật;
 
- Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật;
 
- Việc giải quyết tranh chấp lao động được tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý…
 
3. Cơ quan chuyên môn là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp
 
Đây là quy định hoàn toàn mới so với BLLĐ năm 2012. Điều 181 BLLĐ năm 2019 nêu rõ khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động.
 
Cơ quan này có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp.
 
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận phải chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động (trường hợp bắt buộc phải hòa giải), chuyển đến Hội đồng trọng tài (trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết) hoặc hướng dẫn gửi đến Tòa án để giải quyết.
 
4. Thêm lựa chọn trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
 
Điều 187 BLLĐ năm 2019 ghi nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân giữa NLĐ và NSDLĐ thuộc về một trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau:
 
Hòa giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động; ​Tòa án nhân dân.
 
Đối chiếu với BLLĐ năm 2012, có thể thấy, quy định này đã bổ sung Hội đồng trọng tài lao động vào các đối tượng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
 
Như vậy, từ ngày 11-2021, NLĐ và NSDLĐ có thể thỏa thuận về việc lựa chọn giải quyết tranh chấp lao động thông qua Hội đồng trọng tài lao động.
 
5. Thêm 3 trường hợp tranh chấp lao động cá nhân không cần hòa giải
 
Về nguyên tắc, tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 188 BLLĐ năm 2019 cũng liệt kê các trường tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc tiến hành hòa giải:
 Kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
 
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
 
- Giữa người giúp việc gia đình với NSDLĐ;
 
- Về BHXH, về BHYT, về bảo hiểm thất nghiệp, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
 
- Về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
 
- Giữa NLĐ thuê lại với NSDLĐ thuê lại;
 
So với khoản 1, Điều 201 BLLĐ năm 2012, quy định này đã bổ sung 3 trường hợp không cần hòa giải: tranh chấp lao động cá nhân giữa NLĐ thuê lại với NSDLĐ thuê lại; về bảo hiểm thất nghiệp; về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
 
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên
 
6. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bởi Hội đồng trọng tài
 
BLLĐ năm 2019 đã trao thêm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân cho Hội đồng trọng tài lao động. Do đó, thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động tại Điều 189 BLLĐ 2019 là quy định hoàn toàn mới.
 
Theo đó, việc giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp này được tiến hành như sau:
 
Bước 1: Gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Hội đồng trọng tài lao động
 
Trên cơ sở đồng thuận, các bên gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động đến Hội đồng trọng tài lao động. Các bên cần lưu ý không yêu cầu đồng thời Hội đồng đồng trọng tài và Tòa án cùng giải quyết tranh chấp.
 
Bước 2: Thành lập Ban trọng tài lao động
 
Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu, Hội đồng trọng tài lao động phải thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp. Ban trọng tài lao động làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp các bên cùng lựa chọn một trọng tài viên lao động để giải quyết.
 
Bước 3: Ra quyết định giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
 
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên.
 
Khi có quyết định giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài lao động, các bên tiến hành thực hiện theo quyết định đó.
 
Nếu một trong các bên không thực hiện quyết định thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
 
Lưu ý, khi yêu cầu giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động mà Ban trọng tài không được thành lập hoặc Ban trọng tài lao động không đưa ra quyết định giải quyết trong thời hạn quy định, thì các bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
 
7. Thời gian không tính vào thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
 
Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân về cơ bản được BLLĐ năm 2019 giữ nguyên: 6 tháng kể từ ngày phát hiện đối với yêu cầu hòa giải và 1 năm kể từ ngày phát hiện đối với yêu cầu Tòa án giải quyết.
 
Tuy nhiên, Bộ luật này đã bổ sung thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài là 9 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi được cho là đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên tranh chấp.
 
Đặc biệt, BLLĐ năm 2019 còn quy định thêm về thời gian không tính vào thời hiệu tại khoản 4, Điều 190.
 
Theo đó, nếu người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác mà không thể yêu cầu đúng thời hạn thì thời gian có sự kiện đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
 
Nguồn: Báo Người Lao Động

Lượt xem: 1478

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:714
Lượt truy cập: 14062225