Ông Nguyễn Hiền Sang (quận Phú Nhuận, TP HCM) hỏi: "Tôi 62 tuổi, đã tham gia BHXH bắt buộc được 9 năm. Tháng 1-2019, tôi bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện với mức lương 9,8 triệu đồng/tháng, số tiền BHXH phải đóng là 2.140.600 đồng/tháng. Tháng 4-2020, tôi đóng gộp BHXH tự nguyện một lần với số tiền hơn 333 triệu đồng để hưởng lương hưu. Theo cách tính của tôi, số tiền cơ quan BHXH thu chênh lệch hơn 85,5 triệu đồng so với số tiền phải đóng cho 116 tháng còn thiếu. Xin hỏi cách tính tiền đóng BHXH tự nguyện như vậy có đúng quy định không?".
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, trả lời: Căn cứ điểm e, khoản 1 điều 9; khoản 2 điều 14 và khoản 4 điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP thì người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu nếu đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Mức đóng một lần được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng. Theo Thông báo số 63/TB-BHXH của BHXH Việt Nam thì mức lãi suất bình quân trong năm 2019 là 5,8%/năm (0,4833%/tháng). Đối chiếu các quy định trên, với phương thức đóng BHXH tự nguyện một lần cho 116 tháng và mức lương tham gia BHXH tự nguyện 9,8 triệu đồng/tháng thì số tiền ông Sang phải đóng theo quy định là 247.985.849 đồng. Ngoài ra, ông phải đóng thêm số tiền lãi do đóng một lần để hưởng lương hưu là 85.830.546 đồng. Như vậy, tổng số tiền ông phải đóng là 333.816.395 đồng.
Nguồn: Báo Người Lao Động