Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác (điều 70 Luật Giáo dục ). Nhiệm vụ chính của nhà giáo là giảng dạy, giáo dục. Đồng thời đây cũng là quyền lợi của mọi nhà giáo.
Nhiệm vụ chính của nhà giáo là giảng dạy, giáo dục, đồng thời đó cũng là quyền lợi của mọi nhà giáo
Khi các đối tượng giáo viên các cấp thuộc danh sách trả lương đã được phê duyệt, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện dạy thêm giờ khi đáp ứng các điều kiện nêu tại điều 2 Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC sẽ được thanh toán tiền dạy thêm giờ: Khi được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Phải hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nhiệm vụ công tác khác; Các đơn vị hoặc bộ môn thiếu nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu không thiếu thì chỉ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản, đi học tập, bồi dưỡng… do cấp có thẩm quyền phân công, điều động; Số giờ dạy thêm được tính trả lương dạy thêm giờ không được quá số giờ làm thêm theo quy định.
Như vậy, những đối tượng giáo viên đáp ứng các điều kiện nêu trên có thời gian làm thêm giờ thì được thanh toán tiền dạy thêm giờ.
Cũng tại Thông tư liên tịch này, tiền lương dạy thêm giờ được tính theo công thức: Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x tiền lương 1 giờ dạy x 150%.
Trong đó: Tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo gồm: Mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có). Năm học trong công thức nêu trên được tính từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 của năm liền kề.
Đặc biệt, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị cũng như trình độ đào tạo, vị trí việc làm… của từng đối tượng giáo viên để thực hiện thanh toán hoặc tạm ứng tiền lương dạy thêm giờ theo tháng hoặc theo học kỳ.
Nguồn: Báo Người Lao Động