Tuy nhiên, từ năm 2020, khoản thu nhập này sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể:
Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên của công chức
Theo khoản 8 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP phụ cấp thâm niên nghề là một trong những khoản phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc theo công việc. Do đó, không phải mọi ngạch công chức đều được hưởng loại phụ cấp này.
Căn cứ khoản trên, phụ cấp thâm niên nghề chỉ áp dụng với các đối tượng sau:
- Sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc Công an nhân dân
- Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu
- Công chức hải quan
Tuy nhiên, đến Nghị định số 76 năm 2009, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định này. Theo đó, mở rộng các đối tượng được hưởng loại phụ cấp này gồm: Công chức được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh chuyên ngành như kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm.
Như vậy, theo quy định hiện hành, công chức hải quan, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm được hưởng phụ cấp thâm niên.
Cũng tại Nghị định 204, mức phụ cấp thâm niên được tính căn cứ vào thời gian 5 năm (đủ 60 tháng) làm việc liên tục. Và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch 04/2009.
Theo đó, thời gian làm việc để tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng thời gian:
- Làm việc được xếp lương theo một trong cách ngạch hoặc chức danh chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm và kiểm tra Đảng.
- Được hưởng phụ cấp thâm niên nghề trong quân đội, công an và cơ yếu nếu có.
- Đi nghĩa vụ quân sự mà trước đó đang được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Trong đó, nếu thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề chưa hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần mà gián đoạn thì được cộng dồn.
Đồng thời, những khoảng thời gian sau sẽ không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề gồm:
- Thời gian tập sự
- Thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị
- Thời gian làm các công việc được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh không thuộc các trường hợp được hưởng phụ cấp thâm niên nghề
- Thời gian làm việc trong quân đội, công an và cơ yếu không được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn
- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giam, tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử…
Như vậy, công chức sau khi làm việc liên tục đủ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian này có thể được cộng dồn tùy vào từng trường hợp cụ thể.
2 thay đổi liên quan đến phụ cấp thâm niên từ năm 2020
Theo tinh thần của Nghị quyết 27/NQ-TW, một trong những nội dung cải cách chính sách tiền lương là bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung và với giáo viên nói riêng.
Cụ thể hóa quy định này tại Nghị quyết 27, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 cũng đã bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên.
Theo đó, từ ngày 1-7-2020, giáo viên sẽ được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp. Được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP thì phụ cấp đặc thù được áp dụng đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghề nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Theo quy định trên, từ ngày 1-7-2020, giáo viên sẽ mất một khoản thu nhập do phụ cấp thâm niên không còn nữa.
Cũng theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, năm 2021 sẽ có những cải cách mạnh mẽ về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể là bãi bỏ cách tính lương như hiện nay (hệ số x mức lương cơ sở), thay vào đó là 5 bảng lương mới với số tiền cụ thể, tương ứng với từng chức danh và vị trí việc làm.
Cụ thể:
- 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
- 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
- 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Không chỉ thế, các khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức cũng có nhiều thay đổi. Hàng loạt các khoản phụ cấp bị bãi bỏ, trong đó có phụ cấp thâm niên.
Nghị quyết nêu, chỉ còn 3 đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên, gồm:
- Quân đội
- Công an
- Cơ yếu.
Như vậy, ngoài 3 đối tượng trên, các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đang được hưởng phụ cấp thâm niên, sẽ không còn được hưởng khoản phụ cấp này kể từ năm 2021.
Theo tinh thần của Nghị quyết 27, ngoài bãi bỏ phụ cấp thâm niên, còn có một số khoản phụ cấp khác được bãi bỏ: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội ; Phụ cấp công vụ; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm.
Nguồn: Báo Người Lao Động