Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, cho biết thời gian để hồi phục sức khỏe cho người say rượu phụ thuộc vào thể trạng từng người, tùy vào lượng rượu nạp vào cơ thể. Dân gian có những mẹo để đẩy nhanh quá trình đào thải rượu ra khỏi cơ thể, người say có thể áp dụng để hồi phục sức khỏe. Cách quan trọng nhất là bổ sung thêm nước để làm loãng nồng độ cồn trong máu.
Ngoài uống nhiều nước lọc, bí quyết giải rượu được mọi người áp dụng là uống trà gừng. Gừng có vị cay tính ấm, tác dụng tán hàn, giải độc, điều tiết nhiệt độ cơ thể, làm cho các mạch máu lưu thông, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Pha nước trà gừng bằng cách: thái một củ gừng tươi thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống, có thể cho thêm mật ong để cơ thể hấp thụ nhanh.
Nhiều người dùng nước chanh giải rượu. Trong quả chanh có vitamin C, các thành phần axit hữu cơ sẽ kết hợp với ethanol trong rượu để tạo ra este, giúp thoát khỏi cảm giác nôn nao, khó chịu do bia rượu, giảm tình trạng mất nước do chất cồn gây ra. Tuy nhiên, những người có bệnh lý dạ dày, tá tràng nên lưu ý khi uống nước chanh bởi sẽ gây tổn thương dạ dày.
Ngoài chanh, nhiều loại hoa quả chứa axit hữu cơ như quýt, cam, bưởi tác dụng giải rượu tốt, có thể ăn trực tiếp hoặc làm nước ép, mang lại cảm giác ngon miệng. Những loại trái cây này khá tiện dụng, có sẵn, nên đây là cách giải rượu hữu hiệu, nhanh chóng.
Một số thực phẩm khác có tác dụng giải rượu như nước đậu xanh, nước cháo loãng, nước cà chua, chè xanh, mướp đắng, atisso... Nhiều nghiên cứu chứng minh được nước ép cà chua có thể giảm nồng độ cồn trong cơ thể, hạn chế say và làm tỉnh rượu nhanh hơn. Cách làm như sau: chọn quả cà chua chín, sạch, không bị sâu, rửa sạch, lột bỏ hết lớp vỏ, lấy lại phần cùi bằng dao nhọn. Cho cà chua vào máy xay sinh tố, cùng nước xay nhuyễn. Sau đó, lọc lấy nước, đổ ra cốc uống.
Đậu xanh cũng là thực phẩm giải nhiệt và được đông y sử dụng trong các bài thuốc. Cách làm thức uống giải rượu như sau: vo đậu xanh vài lần cho sạch bụi rồi cho vào nồi nước, đun trên lửa nhỏ cho đến khi đậu nở mềm, vớt bọt, thêm muối vào nồi nước đậu xanh rồi tắt bếp, để hơi nguội. Sau đó có thể lọc lấy nước hoặc cho người say ăn luôn cả phần cái để giải rượu.
Trà gừng, nước chanh giải rượu bia hiệu quả. Ảnh: Hindustan Times.
Theo phó giáo sư Thịnh, những loại trà hay nước trái cây trên thích hợp áp dụng ngay sau khi vừa uống rượu say. Sau quá trình này, người say rượu cần bổ sung thêm nhiều nước lọc, được nằm nghỉ ngơi. Tỉnh dậy, nên ăn một bát cháo nóng loãng, súp nóng để bổ sung nước, bồi bổ cơ thể.
Đặc biệt dịp Tết, nên nấu một nồi cháo trắng, ăn càng nóng càng tốt. Cháo giúp người say tỉnh táo và lấy lại sức nhanh.
Một số thực phẩm nên tránh khi bị say rượu
Không nên uống các loại nước có ga, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh kẹo. Không dùng sữa chua để giải rượu vì dễ gây kích ứng dạ dày, dẫn đến tiêu chảy.
Phó giáo sư Thịnh nhấn mạnh: "Những mẹo giải rượu bia dân gian không thể làm hết hoàn toàn nồng độ cồn trong cơ thể. Người uống rượu cần có thời gian nghỉ ngơi, bình phục và tuyệt đối không được lái xe. Đây là cách tốt nhất đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân".
Ông khuyến cáo, muốn hết say cần có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi. Thời gian phục hồi tùy vào thể trạng mỗi người. Mỗi người nên tự biết "tửu lượng" của mình và uống rượu ở một chừng mực nhất định, không nên để say. Kể cả những người tửu lượng tốt cũng không được chủ quan.
Nguồn: Vnexpress