Thứ năm, 23/01/2025 21:23 GMT+7

Công tác phát triển đoàn viên: Xác định là nhiệm vụ hàng đầu

Thứ ba, 05/11/2019 10:46 GMT+7

Tính đến hết tháng 9.2019, các cấp CĐ (CĐ) tỉnh Thanh Hoá đã thành lập mới được 66 CĐCS (đạt 101,5% kế hoạch của Tổng LĐLĐVN giao); phát triển mới được 14.056 đoàn viên (đạt 127,8% kế hoạch của Tổng LĐLĐVN giao). Để “cán đích” nhiệm vụ do Tổng LĐLĐVN giao trước 3 tháng, ngay từ đầu năm 2019, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các giải pháp để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Cán bộ CĐ trực tiếp xuống cơ sở
 
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá - cho biết, LĐLĐ tỉnh luôn xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) là một nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức CĐ… Do đó, căn cứ vào chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIX CĐ tỉnh đề ra, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch cho cả nhiệm kỳ và xác định rõ chỉ tiêu cho từng năm. Chỉ đạo các cấp CĐ khảo sát, nắm tình hình các doanh nghiệp (DN) thuộc phạm vi quản lý, phân loại các DN có đủ điều kiện, lập kế hoạch tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) gia nhập tổ chức CĐ. Định kỳ một quý 1 lần tổ chức giao ban đánh giá kết quả phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đề xuất với UBND tỉnh tỉnh hàng năm hỗ trợ tổ chức CĐ 1 phần kinh phí cho việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS… Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh có quy chế riêng về kinh phí cho việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS để hỗ trợ các đơn vị.
 
Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao trong công tác thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên mà các cấp CĐ tỉnh Thanh Hoá đang áp dụng là các cán bộ CĐ trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn giúp đỡ người lao động (NLĐ) giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với chủ DN. Phối hợp với thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội cho NLĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền chương trình phúc lợi đoàn viên, phổ biến kiến thức pháp luật cho NLĐ tại các khu nhà trọ có đông NLĐ… Với những biện pháp trên, nhiều NLĐ đã rõ những lợi ích khi gia nhập tổ chức CĐ nên viết đơn xin gia nhập.
 
Anh Nguyễn Xuân Hùng - công nhân trong Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá - chia sẻ: “Trong dịp Tháng Công nhân 2019, CĐ Khu kinh tế và các KCN đã phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức ngày hội tư vấn pháp luật an toàn giao thông; khám, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 500 thanh niên công nhân; phối hợp tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật tại khu nhà trọ, tặng quà NLĐ có hoàn cảnh khó khăn… Những hoạt động của tổ chức CĐ đã khiến tôi cùng nhiều NLĐ thấy rõ quyền và lợi ích khi là đoàn viên CĐ. Do đó khi về công ty, chúng tôi đã viết đơn tự nguyện gia nhập tổ chức CĐ”.
 
Tập trung vào công tác tuyên truyền
 
Mặc dù công tác thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên CĐ của LĐLĐ tỉnh đã vượt chỉ tiêu của Tổng LĐLĐVN giao trước 3 tháng, nhưng các cấp CĐ cũng đã xác định rõ những khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS trong các DN ngoài nhà nước.
 
“Một số DN còn né tránh, trì hoãn hoặc chưa tạo điều kiện cho CĐ cấp trên vào DN vận động NLĐ gia nhập tổ chức CĐ, thành lập CĐCS. Hoặc khi thành lập được CĐCS, DN không tạo điều kiện về thời gian, chuyển kinh phí cho CĐ hoạt động. Một bộ phận NLĐ nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu rõ vị trí, vai trò của tổ chức CĐ, chưa xác định được quyền lợi của mình khi tham gia vào tổ chức CĐ.
 
Nội dung, phương thức tổ chức hoạt động của một số CĐCS chưa thực sự thu hút được đông đảo đoàn viên, NLĐ tham gia, chế độ sinh hoạt CĐCS chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao. Tính năng động, sáng tạo, khả năng nhận biết, nắm bắt tình hình và kinh nghiệm thực tiễn của một bộ phận cán bộ CĐ cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, CNLĐ…” - ông Ngô Tôn Tẫn đã chỉ ra những tồn tại và hạn chế mà các cấp CĐ tỉnh Thanh Hoá gặp phải.
 
CĐ tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền cho NLĐ hiểu rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, hiểu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ Việt Nam, truyền thống lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức CĐ. Khi tổ chức các hoạt động phải hướng về cơ sở, lấy NLĐ làm trung tâm để chăm lo, bảo vệ và tổ chức hoạt động để thu hút NLĐ tham gia. Thực hiện tốt hơn nữa việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Bên cạnh đó, CĐ tỉnh phải tư vấn cho NLĐ hiểu rõ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của họ.
 
“Đặc biệt, để cho NLĐ có thu nhập, việc làm ổn định và coi CĐ là chỗ dựa vững chắc, CĐ phải cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn với đoàn viên, NLĐ; tư vấn cho NLĐ những vấn đề mà họ chưa biết, chưa hiểu. Có như vậy, NLĐ mới gắn bó với tổ chức CĐ, xây dựng CĐ vững mạnh” - ông Tẫn khẳng định.
 
Nguồn: Báo Lao Động

Lượt xem: 1654

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:71579
Lượt truy cập: 14110548