Thứ sáu, 21/08/2020 16:48 GMT+7

Đầu tư nghiên cứu cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Giải quyết những bài toán thiết thực

Dù đã nhận được sự đầu tư ở mức ưu tiên mà “chỉ khu vực đặc biệt mới có được” và đón nhận nhiều giải pháp đơn sơ đến phức tạp nhưng tới đây, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vẫn cần quy tụ nhiều hơn các giải pháp có thể triển khai ở quy mô lớn, tránh tình trạng manh mún, riêng rẽ.

Đó là những nội dung được trao đổi tại buổi làm việc ngày 14/8 của Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội với Bộ KH&CN về việc thực hiện chính sách, pháp luật về KH, CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2011-2020.

Bám sát nhu cầu đa dạng
 

Sơn La đã phát triển vùng trồng cà phê và xây dựng thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho Cà phê Sơn La.
 

Luôn được coi là vùng trũng, nghèo đói chậm phát triển bậc nhất nhưng vùng dân tộc thiểu số và miền núi lại có vai trò không thể thay thế. “Đây chính là nơi giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng” là điều thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh nhiều lần trong báo cáo của Bộ NN&PTNT tại buổi làm việc. “Hầu hết sản phẩm chủ lực, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu như cây ăn quả (60% diện tích tại các khu vực này), hay như cà phê, chè, hồ tiêu, cao su, gỗ đều nằm ở vùng này 100%”.

Với những tiềm lực như vậy, chính đại diện các sở KH&CN địa phương miền núi phía Bắc cũng từng có ý kiến “không có lý gì lại không tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn?” trong buổi tổng kết đánh giá 15 năm hoạt động KH&CN thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 vào năm ngoái. Nhưng vấn đề đặt ra là những giải pháp KH&CN nào sẽ giúp dẫn dắt, đưa ra mô hình phát triển phù hợp, để những vùng này tận dụng được những tiềm lực ấy làm sức bật trong bối cảnh vốn con người còn rất hạn chế, có nơi tỉ lệ nghèo đói lên tới 34%, và nguồn lực KH&CN tại chỗ rất manh mún và sơ khai?
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc.
 

Bối cảnh đặc thù đó khiến vùng này đã nhận được một mức quan tâm ưu tiên rất lớn mà “chỉ khu vực đặc biệt mới có được” như phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại buổi làm việc. Các khu vực này thụ hưởng nhiều chương trình KH&CN lớn như Chương trình Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030, Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… với nguồn kinh phí suýt soát 17% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học của Trung ương. Mỗi vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ đều được thụ hưởng riêng một chương trình KH&CN công nghệ trọng điểm để phân tích, đánh giá những vấn đề đang đặt ra của từng vùng, với kỳ vọng đưa ra quan điểm phát triển, mô hình chuyển giao công nghệ phù hợp. Thậm chí trong đó có những chương trình KH&CN đã được nối dài suốt nhiều năm để tìm hiểu kỹ lưỡng những vấn đề đặc thù của vùng, như Chương trình KH&CN trọng điểm Tây Nguyên hiện nay đã có nền tảng từ hai chương trình điều tra nghiên cứu tổng thể về vùng này từ trước những năm 1990.
 

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã giải quyết những bài toán khó khăn chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, chính sách KH&CN và nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, tuy nhiên thực tế áp dụng KH&CN vào vùng này đòi hỏi phải có sự “giao thoa” chính sách và giao thoa giữa các bộ, ngành với nhau.

Chúng tôi sẽ có những xem xét, nghiên cứu để sửa đổi bổ sung một số điểm trong Luật Khoa học và Công nghệ nhằm có những quy định đặc thù để phát triển KH&CN phục vụ kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh


Và những giải pháp KH&CN dành cho vùng này cũng bám sát nhu cầu đa dạng của các địa phương - từ đơn giản tới phức tạp, từ quy mô nhỏ ở mức độ dành cho hộ gia đình, bản làng cho tới quy mô sản xuất hàng hóa lớn mà nhiều doanh nghiệp cùng vào cuộc mới có thể giải quyết được, từ những vấn đề truyền thống như mô hình trồng cây gì nuôi con gì cho tới những vấn đề mới đặt ra như biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đơn cử như chương trình KH&CN cho vùng Tây Bắc vừa mới hoàn thành và tổng kết vào tháng trước đều không hình thành trên “bàn giấy” theo định hướng từ trên xuống mà đều “có sự tham gia tích cực ngay từ đầu của chính quyền các địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nhà khoa học trong vùng vừa với tư cách là cộng tác viên, là người đặt hàng, người đánh giá (định kỳ, nghiệm thu) và vừa là người trực tiếp sử dụng kết quả của Chương trình”, GS.TS Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm chương trình Tây Bắc cho biết.

Sau một thập niên năm thực hiện, nhờ cách xác định vấn đề chặt chẽ như vậy nên các nghiên cứu cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng những năm nay như tăng năng suất cây trồng chủ lực, nghiên cứu hoạt chất, chế biến các loại cây trồng đặc sản ở địa phương, nghiên cứu các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên của vùng... Các nhiệm vụ nghiên cứu thuộc các chương trình đã huy động được nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, gắn bó với thực tiễn của địa phương. Nhìn chung, “các chương trình và nhiệm vụ đã được triển khai đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trực tiếp làm thay đổi diện mạo đời sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá.

Chương trình đã chuyển giao được trên 2300 lượt công nghệ mới, xây dựng được trên 4.300 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 3000 lao động thường xuyên và 9000 lao động thời vụ, đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật cho hơn 4000 cán bộ quản lý, tập huấn cho hơn 90.000 lượt nông dân.

Chính vì vậy, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; bước đầu hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa; cơ sở hạ tầng được tăng cường; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Điển hình, một trong những điểm sáng trong ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào phát triển tiềm lực đặc thù của miền núi là tỉnh Sơn La: từ một cái rốn nghèo đói nhất cả nước, phần lớn diện tích canh tác chỉ dành để trồng các loại cây “con nhà nghèo” như ngô, sắn, nay đã ứng dụng KH&CN trong nghiên cứu, đưa ra rất nhiều mô hình tái cơ cấu trong nông nghiệp. Tỉnh này cũng quyết liệt ứng dụng KH&CN để phát triển những loại cây không phải cây truyền thống của tỉnh, để trở thành thế mạnh xuất khẩu, thậm chí được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nông sản tạo dựng vị thế riêng. Và sau vài năm “giờ đây tỉnh Sơn La đã chuyển đổi thành công gần 100 nghìn hecta cây ăn quả như nhãn, xoài, và chỉ riêng năm ngoái đã xuất khẩu hơn 200 triệu USD”, ông Lê Quốc Doanh nói.

Tránh tình trạng đầu tư manh mún

Tuy nhiên, các đại biểu tại buổi làm việc đều cho rằng, sau một thập niên vận hành các chương trình khoa học này, cần phải đánh giá một cách cụ thể hơn nữa về những điểm còn tồn tại để có sự tập trung trong giai đoạn tới. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch HĐ Dân tộc Quốc hội đề nghị cần phải đưa ra các lựa chọn ưu tiên để nghiên cứu cho vùng, để tránh tình trạng rải mành mành các nghiên cứu.

Đồng quan điểm đó, ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cũng góp ý, Báo cáo cần làm rõ, trong những mô hình KH&CN đưa vào vùng nông thôn miền núi 10 năm qua “có những mô hình nào phù hợp và chưa phù hợp? khi đưa vào thực hiện có khó khăn cản trở gì? Làm sao khắc phục được khắc phục tình trạng hiện nay là một số mô hình KH&CN sau khi xây dựng xong rút về là hết, không thể nào mở rộng triển khai được”. Ông cũng chỉ ra những vấn đề cụ thể cho thấy rất cần áp dụng những mô hình phù hợp để giải quyết những bài toán thiết thực mà người dân đang cần, ví dụ như vùng dược liệu ở nhiều vùng dân tộc thiểu số có tiềm năng phát triển rộng nhưng chưa gắn kết được với thị trường; các giải pháp cấp nước sinh hoạt ở vùng Tây Bắc được triển khai nhiều như khoan giếng, làm hồ treo nhưng hiệu quả còn ít, chưa đảm bảo được nhu cầu thực tế của đồng bào.
 

Khối lượng đồ sộ các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu trong thời gian qua đã cho thấy sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ, nhờ đó đã trực tiếp giải quyết được nhiều vấn đề cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, “thay đổi bộ mặt” cho khu vực này trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến


Tương tự, mặc dù đánh giá Báo cáo của Bộ KH&CN đã chỉ ra “sát và trúng” những vấn đề đang đặt ra và cần KH&CN giải đáp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng kiến nghị, cần hệ thống lại chặt chẽ các nội dung đề tài nghiên cứu về vùng dân tộc thiểu số và miền núi để có các đề tài nghiên cứu sâu, tránh sự trùng lặp, chồng chéo, gây lãng phí trong nghiên cứu. Là người có nhiều năm làm lãnh đạo tại một tỉnh miền núi phía Bắc, từng tham gia nhiều hội đồng KH&CN để góp ý cho các đề tài, bà “nhìn thấy có những nghiên cứu trùng hợp với nghiên cứu khác” nhưng từng địa phương “không thể có cái nhìn tổng hợp, đầy đủ điều kiện và dữ liệu để chỉ ra cụ thể trùng như thế nào” nên cần tới bộ dữ liệu chung của các cơ quan quản lý KH&CN chỉ ra.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết sẽ lĩnh hội những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Đoàn giám sát để cùng các bộ, ngành liên quan hoàn thiện báo cáo. Bộ sẽ có những xem xét, nghiên cứu để sửa đổi bổ sung một số điểm trong Luật Khoa học và Công nghệ nhằm có những quy định đặc thù để phát triển KH&CN phục vụ kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng lưu ý, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã giải quyết những bài toán khó khăn chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, chính sách KH&CN và nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, tuy nhiên thực tế áp dụng KH&CN vào vùng này đòi hỏi phải có sự “giao thoa” chính sách và giao thoa giữa các bộ, ngành với nhau. Dù ngành KH&CN luôn ở trong tâm thế “đồng hành phục vụ” nhưng mới chỉ là một vế, vế còn lại cần sự vào cuộc của tất cả địa phương và các ngành. Dù xây dựng các cơ sở dữ liệu các đề tài, dự án KH&CN hay thu hút doanh nghiệp đầu tư cho các chuỗi giá trị ở vùng này sau khi ngành KH&CN đưa ra mô hình phù hợp, thì đều cần “không chỉ khoa học ngồi với nhau mà cùng ngồi với 14 tỉnh”.
 

Ông Hà Ngọc Chiến, chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc Hội phát biểu tại buổi làm việc.
 

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao các nội dung trình bày, thảo luận dù thời gian cho công tác chuẩn bị rất ngắn. Ông đánh giá, khối lượng đồ sộ các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu trong thời gian qua đã cho thấy sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ, nhờ đó đã trực tiếp giải quyết được nhiều vấn đề cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, “thay đổi bộ mặt” cho khu vực này trên tất cả các lĩnh vực. Tuy vậy, cần đánh giá cụ thể hơn hiệu quả của các chương trình cũng như cụ thể hóa rõ các nội dung luật sẽ sửa đổi để làm sao “rút ngắn được khoảng cách phát triển, đời sống, thu nhập cho đồng bào”.

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 2653

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)